xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm rõ hiệu quả của mã số công dân

Bài và ảnh: THẾ KHA

Lãnh đạo ngành công an cho biết Hội Toán học “đòi” 2 tỉ đồng chỉ để giúp chứng minh thuật toán dùng 12 số trên CMND mới là phù hợp nên Bộ Công an không đồng ý

Tại hội thảo về dự án Luật Căn cước công dân do Bộ Công an và Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tổ chức ngày 8-7, nhiều ý kiến đề nghị nên giữ lại tên gọi chứng minh nhân dân (CMND).

Tránh lãng phí, tốn kém

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Cải cách thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), số định danh cá nhân cấp cho công dân khi mới sinh giúp công tác quản lý, giảm các cuộc điều tra dân số tốn kém nhưng phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước thì cấp căn cước sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Một đại diện khác của Bộ Tư pháp thắc mắc về việc 50-100 năm nữa liệu đã trang bị được đầy đủ hệ thống máy móc kỹ thuật, đọc chip điện tử ở khắp nơi để phục vụ cho việc giảm thủ tục, giấy tờ thông qua số định danh cá nhân (12 số trên CMND mới - PV)? Vội vàng xóa bỏ giấy khai sinh của công dân với đầy đủ họ tên cha mẹ, ngày tháng năm sinh, quốc tịch… thì người dân sẽ làm thế nào khi thực hiện thủ tục nhập học cho con, đi máy bay?

Ông Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, làm thủ tục cấp đổi CMND ngay bên lề hội thảo
Ông Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, làm thủ tục cấp đổi CMND ngay bên lề hội thảo

Ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, băn khoăn  về lộ trình tới năm 2020 sẽ cấp toàn bộ căn cước công dân, số định danh cá nhân trên cả nước. “TP HCM làm thí điểm việc thu thập thông tin tại một quận, chỉ cử cán bộ tới từng nhà ghi lại các thông tin mà đã hết 3,7 tỉ đồng nên thực hiện đề án lớn như thế này thì phải vài trăm ngàn tỉ đồng. Rồi làm sao có đủ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin để triển khai đề án tới tận cấp xã, phường. Ngay tại hội thảo này, phát biểu của Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã có độ vênh thì không rõ công tác chuẩn bị đã đủ để ban hành luật chưa?” - ông Trường thẳng thắn.

Ủng hộ việc cấp mã số định danh cá nhân nhưng bà Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội -  cho rằng Bộ Công an nên kết hợp với các nhà toán học, chuyên gia đầu ngành về công nghệ thông tin để tiếp cận công việc trong cấp mã số định danh cá nhân một cách bài bản, tránh lãng phí, tốn kém mà hiệu quả không cao. Về vấn đề này, lãnh đạo ngành công an cho biết đã làm việc với Hội Toán học. Tuy nhiên, hội này “đòi” 2 tỉ đồng chỉ để giúp chứng minh thuật toán dùng 12 số trên CMND mới là phù hợp nên Bộ Công an không đồng ý vì thấy tốn kém không cần thiết. Theo vị này, tổng kinh phí để thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không tốn kém như ông Lê Việt Trường lo lắng. “Đến nay, nguồn kinh phí dự kiến tiêu tốn khoảng 3.670 tỉ đồng” - vị này nói.

Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết 40 năm qua, cả nước đã làm được 68 triệu CMND. Nếu thay đổi tên gọi CMND thành “căn cước công dân” thì sẽ phải in lại rất nhiều giấy tờ hành chính, tác động đến từng người dân, làm phức tạp xã hội, lãng phí chưa thể tính hết nên đề nghị tiếp tục sử dụng tên gọi CMND.

Cần thảo luận kỹ càng

Đại diện Bộ Công an và Công an TP Hải Phòng cũng đề xuất giữ lại tên gọi CMND. Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an - cho biết trong 1.300 thủ tục liên quan đến cung cấp chứng minh thông tin về công dân mà Bộ Tư pháp thống kê, có 356 thủ tục yêu cầu phải có CMND. Mặt khác, tên gọi CMND đã in sâu vào tiềm thức đời sống của người dân, thể hiện trên nhiều loại giấy tờ nên việc giữ lại sẽ tránh gây xáo trộn xã hội và tốn kém tiền bạc cho cả nhà nước cũng như công dân.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, nói: “Nhân dân là gì mà phải chứng minh? Tại sao lại giữ tên CMND khi luật là Luật Căn cước công dân? Cả thế giới người ta gọi là thẻ công dân. Chủ tịch Quốc hội đã nói việc này là sự hòa nhập và chúng ta đang tiến tới hòa nhập”.

Ông Nhã cho biết hai chữ “nhân dân” trong Hiến pháp hiện đã viết hoa nên việc thay đổi hay giữ tên gọi CMND cần thảo luận kỹ càng, có thể đổi tên CMND thành chứng minh công dân.

Không đẩy khó cho dân

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng Luật Căn cước công dân mang tính cách mạng, đột phá lớn trong cải cách hành chính đối với quản lý dân cư nên chắc chắn sẽ vướng nhiều khó khăn, trong đó có cả những luồng tư tưởng, nhận thức bảo thủ, trì trệ. Khi xây dựng dự án luật này, phải lấy tư tưởng phục vụ nhân dân chứ không phải quản lý nhân dân, không thể lấy việc tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà đẩy khó khăn cho người dân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo