Sáng 28-9, tổ công tác gồm Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng tại dự án trung tâm thương mại, văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực (hiện là 67 Trần Phú), phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội (gọi tắt tòa nhà 8B Lê Trực) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Được cấp phép sau khi xử phạt
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 3-2014, UBND quận Ba Đình ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty CP May Lê Trực (thuộc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển Kinh Đô) do có hành vi xây dựng không phép đối với tòa nhà 8B Lê Trực. Tuy nhiên, ông Nguyễn Cương Quyết, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, cho biết ngay sau khi bị xử phạt, Công ty CP May Lê Trực đã xin được giấy phép xây dựng. Trả lời câu hỏi về việc giấy phép ghi rõ bao nhiêu tầng và việc xây dựng được giám sát như thế nào, ông Quyết chỉ nói: “Chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra nhưng trong thời gian xây dựng không thể kiểm soát hết được”.
Công trình tòa nhà 8B Lê Trực có tổng diện tích xây dựng 5.600 m2, quy mô 17 tầng cao và 4 tầng hầm. Trong đó có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại, 12 tầng văn phòng cho thuê và khối căn hộ cao cấp. Người dân rất bất bình với một tòa nhà quá cao như thế bên cạnh Lăng Bác. Ông Lê Văn Thưởng - Tổ trưởng tổ dân phố 13, phường Điện Biên - bức xúc: “Tòa nhà cao quá so với nội đô, lại quá gần Lăng Bác là không nên!”.
Bên cạnh đó, đường Trần Phú - Kim Mã kéo dài có thiết kế rộng 22 m, trong đó 12 m lòng đường và 10 m vỉa hè, chia đều cho hai bên. Thế nhưng, vỉa hè phía tòa nhà 8B Lê Trực bị bóp lại còn 4 m. Người dân thắc mắc tại sao lại có sự khác biệt như vậy?
Sai phạm phải xử lý!
TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho rằng việc quy hoạch khu vực Ba Đình đã được Bộ Xây dựng thực hiện và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Thậm chí trước đây, cố Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo khu vực Lăng Bác, Phủ Chủ tịch..., các công trình xây dựng trong bán kính 500 m không được xây cao hơn. “Ngay cả khi thực hiện nhà Quốc hội, cuộc thi tuyển chọn phương án cũng đưa ra điều kiện không được cao quá Lăng Bác nên các nhà kiến trúc đã phải tính toán rất kỹ” - ông Liêm nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, phía phố Quán Thánh, Nguyễn Cảnh Chân cũng đã có một số tòa nhà xây dựng cao tầng. Vì thế để giữ cảnh quan chung cho khu vực này, ông Liêm đề nghị Bộ Xây dựng cần rà soát để so sánh với quy hoạch xem việc xây dựng công trình 8B Lê Trực có vi phạm hay không.
Giải thích về việc tại sao phải hạn chế chiều cao các công trình quanh khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, TS Phạm Sỹ Liêm lý giải: Quảng trường Ba Đình là công trình nổi tiếng của thủ đô và cả nước, phải có một bề rộng, uy nghi nhất định. Nếu các công trình xung quanh cao lên sẽ khiến khu Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác bé lại, giảm bớt giá trị.
Ông Liêm cho rằng các cơ quan chức năng cần đối chiếu quy hoạch. Nếu công trình xây dựng đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt nhưng xây vượt quá chiều cao quy định thì phải xử lý, buộc tháo dỡ phần xây vượt; còn nếu công trình xây dựng vi phạm quy hoạch và xây vượt số tầng theo quy định thì phải xem xét xử lý trách nhiệm cả chủ đầu tư lẫn người ký quyết định cấp phép xây dựng cũng như các tập thể, cá nhân có liên quan.
“Tôi chắc rằng Sở Xây dựng Hà Nội là nơi cấp phép xây dựng và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội là nơi thỏa thuận quy hoạch nhưng cần làm rõ xem ai là người ký và liệu có sự “tác động” nào ở đây không?” - TS Liêm nói.
Phải thận trọng vì lý do an ninh
Theo ông Liêm, việc hạn chế chiều cao các công trình chung quanh khu vực Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác cũng là nhằm bảo đảm an toàn, an ninh cho các cơ quan trung ương bởi ở đây tập trung cơ quan Trung ương Đảng, Phủ Chủ tịch, Quốc hội, Chính phủ... Đây cũng là nơi tiếp các nguyên thủ, đoàn ngoại giao các nước đến, chưa kể nhiều hoạt động diễu hành, kỷ niệm... được tổ chức. “Nếu một tòa nhà cao tầng như thế thì có thể khống chế một khoảng không rất rộng và xét về khía cạnh an ninh thì không nên có tòa nhà như thế” - TS Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm.
Bình luận (0)