UBND TPHCM vừa phê duyệt giai đoạn 2 dự án Nhà máy Xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) để xử lý nguồn nước sinh hoạt của người dân thải ra dòng kênh này.
Công nghệ xử lý hiện đại
Giai đoạn 1 (xây trạm bơm) của dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP lưu vực NL-TN được khởi công xây dựng từ năm 2003, tại số 10 Nguyễn Hữu Cảnh (phường 19, quận Bình Thạnh) với tổng vốn đầu tư 18 triệu USD, công suất thiết kế đạt 480.000 m3/ngày. Trạm bơm này đã được đưa vào sử dụng từ tháng 7-2012 nhưng chỉ dừng lại ở việc thu gom (không xử lý) nước thải ở lưu vực kênh NL-TN, sau đó đổ ra sông Sài Gòn để giải quyết tình trạng ô nhiễm và ngập úng cho 7 quận trung tâm TP, gồm 1, 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp.
Giai đoạn 2 của dự án nhà máy xử lý nước thải NL-TN được xây dựng tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, trên diện tích khoảng 40 ha. Nhà máy sẽ áp dụng 1 trong 4 công nghệ xử lý hiện đại là bùn hoạt tính, phản ứng theo mẽ, lọc sinh học và lọc nhỏ giọt, với mục tiêu chính là thu gom và xử lý nước thải cho lưu vực NL-TN và quận 2, trong đó 2 hạng mục quan trọng là tuyến cống bao dài 8 km (đường kính 3,2 m) để dẫn nước thải từ kênh NL-TN về nhà máy xử lý tại quận 2.
480 triệu USD
Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) và nguồn ngân sách TPHCM với tổng số tiền khoảng 480 triệu USD. Theo Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường NL-TN (thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM), dự án đã được TP phê duyệt, dự kiến đến tháng 7 sẽ hoàn tất, sau đó trình WB. Nếu được WB chấp nhận thì cuối tháng 7 sẽ tiến hành khởi công và đưa vào sử dụng vào năm 2019.
Theo một lãnh đạo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, sau khi qua xử lý, nước kênh NL-TN sẽ đạt chất lượng loại A, chất lượng cao nhất theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Công suất của nhà máy sẽ đạt 800.000 m3/ngày đêm. Đây là nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhưng sau khi dự án 2 đi vào hoạt động, nguồn nước này sẽ đi theo một tuyến cống bao dài 8 km, dẫn nước thải từ kênh NL-TN về nhà máy. Sau xử lý, nguồn nước sẽ được đổ ra sông Sài Gòn để lấy làm nước sinh hoạt cho người dân. Nguồn nước bảo đảm chất lượng, không làm ô nhiễm nước ở sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.
UBND TPHCM đã đề nghị WB nghiên cứu giúp TP kiểm tra, đánh giá chất lượng và tái sử dụng nguồn nước sau khi xử lý để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của TP. |
Bình luận (0)