Cụ thể là người dân vẫn dùng GPLX như bình thường và không bị phạt; sẽ bỏ quy định phải thi lại lý thuyết...
Trước đó, ngày 20-10-2015, Bộ GTVT ban hành Thông tư 58/2015/TT-BGTVT, trong đó bắt buộc người dân chuyển đổi GPLX (không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng) từ giấy bìa sang vật liệu PET và phải sát hạch lại lý thuyết nếu không chuyển đổi. Những quy định này trong Thông tư 58 bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho là “không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất” và “tác động tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân” nên phải dừng triển khai.
Hàng chục triệu người dân đã biết ơn sâu sắc Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật vì đã kịp thời ngăn chặn một quy định hết sức phiền phức và tốn kém. Đại đa số chủ phương tiện dù không rành rẽ về tư cách pháp lý của Thông tư 58 nhưng họ đều thấy việc thực thi quy định này gây lãng phí rất lớn về thời gian, tiền bạc cho người dân và xã hội.
Đáng chú ý, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật còn đề nghị Bộ GTVT xử lý kỷ luật những cá nhân tham mưu Thông tư 58 có nội dung trái pháp luật. Để xem có ai bị xử lý trong vụ tham mưu sai này không hay chỉ rút kinh nghiệm nội bộ.
Thực tế, đã có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật phải dừng thực thi sau khi được phát hiện có nội dung trái luật hoặc chồng chéo, không đúng thẩm quyền. Khi đó thì hậu quả ít nhiều đã xảy ra rồi song trách nhiệm của cá nhân liên quan đến văn bản sai đó hầu như không được nhắc tới. Sự xuê xoa ấy gây hệ lụy dai dẳng: Người tham mưu chính sách không tự ý thức cao nhất về trách nhiệm cá nhân trong công việc của mình. Khi bình thường thì “công của tôi”, lúc hữu sự thì “tội của chúng ta”, huề cả làng!
Một sự vụ khác cùng diễn ra trong ngày 30-11: UBND quận Cầu Giấy, TP Hà Nội báo cáo về xử lý kỷ luật các cá nhân, tập thể liên quan vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu hôm 1-11 làm 13 người chết. Theo đó, cách chức bà phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận và bà phó chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu; khiển trách bà phó chủ tịch UBND quận cùng một công chức phường Dịch Vọng Hậu; riêng ông chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu bị cảnh cáo. “UBND quận Cầu Giấy xin nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc trong quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy” - báo cáo nêu.
Các “mức án” nêu trên được cho là không tương xứng với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ hỏa hoạn mà UBND quận Cầu Giấy từng đánh giá là “nặng nề nhất trong 19 năm thành lập quận”. Để xảy ra vụ này, trách nhiệm của lãnh đạo quận Cầu Giấy là rất lớn nhưng chỉ mỗi bà phó chủ tịch quận bị khiển trách thì quá nhẹ nhàng; lại “rút kinh nghiệm sâu sắc” thì càng thấy nhẹ tênh!
Sợi dây kinh nghiệm chẳng biết dài cỡ nào mà quan chức xứ ta rút hoài, rút mãi chẳng hết!
Bình luận (0)