Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) - GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho hay dự án khai thác này đã “nóng” lên từ năm 2007 và đến thời điểm này, cần dừng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên vì vấn đề an toàn cho Tây Nguyên.
Đặt Tây Nguyên vào báo động đỏ
Ông Đặng Hùng Võ nhìn nhận việc khai thác bauxite cần bỏ đi hệ sinh thái, diện tích rất rộng lớn ở Tây Nguyên để chứa bùn đỏ. Đáng ngại là với một khối lượng bùn đỏ nằm chênh vênh trên núi là đặt Tây Nguyên vào tình trạng báo động đỏ. Ngay cả khi hồ chứa bùn đỏ không vỡ thì việc rò rỉ cũng làm hệ sinh thái và nguồn nước ngầm gặp thảm họa môi trường cũng rất lớn.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên-Nhi đồng của Quốc hội (QH), cho rằng Tây Nguyên là đầu nguồn nước ảnh hưởng tới Nam Trung Bộ và cả nước láng giềng. “Nếu xảy ra tràn bùn đỏ ở đây, chứ chưa nói tới vỡ đập, thì hậu quả sẽ ra sao? Theo dự tính, hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên được chắn bởi hai quả núi đất mà kinh nghiệm ở Tây Bắc cùng với tốc độ tàn phá rừng như hiện nay thì không loại trừ núi đất cũng có ngày bị sụp. Khi đó, bùn đỏ sẽ trôi đi đâu?”- GS-TS Thuyết lo ngại.
Đồng tình, đại biểu QH tỉnh Đắk Lắk, GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định: “Tôi thiết tha mong QH sẽ ra một nghị quyết tạm dừng dự án, tôi thấy vấn đề này quá nguy hiểm. Tôi cũng sẽ chất vấn bộ trưởng Bộ Công Thương vì một số ý kiến lãnh đạo ở bộ này cho rằng VN khác Hungary vì VN có thung lũng (!?). Trong khi đó, Bộ Công Thương quên là thung lũng ở trên cao, có rất nhiều đá vôi, đá vôi tan trong nước, bùn đỏ có khả năng sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm và chảy xuống đồng bằng Nam Bộ”.
Không hiệu quả sao phải vội?
Không dừng lại ở mối lo ngại về sự an toàn đối với bể chứa bùn đỏ, GS-TSKH Đặng Hùng Võ còn khẳng định cơ sở góp ý của mình là dự án khai thác bauxite theo các chuyên gia kinh tế tính toán là không có lãi, thậm chí lỗ. Ông Võ đặt câu hỏi: “Không khai thác bauxite ở Tây Nguyên, VN có chết không, có khó khăn về kinh tế không vì sản xuất alumin với khối lượng một vài triệu tấn/năm là quá nhỏ so với thế giới, nhôm không phải là khoáng sản có giá trị cao. VN hiện là một nước có thu nhập trung bình, các doanh nghiệp VN cũng đã có vốn, tài chính quốc gia không quá hạn hẹp đến mức phải vội vàng bán bauxite”.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng ngoài vấn đề nguy cơ mất an toàn cho cả một vùng rộng lớn, lý do thứ hai ông phản đối dự án này là bài toán kinh tế. Ông Doanh phân tích cho đến nay, vẫn chưa có phương án hiệu quả về vận chuyển bauxite vì địa hình quá dốc. Nếu dùng xe tải, tàu hỏa vận chuyển đều không kinh tế, chỉ có phương án dùng đường ống mà phương án này chưa có thử nghiệm, bơm bùn qua đường ống sẽ tận dụng địa hình dốc, giảm chi phí nhưng hiện nay, phương án này chưa được tính toán kỹ.
Mạo hiểm khi đặt lòng tin vào TKV
Nhận xét về phương án mà Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) và Bộ TN-MT khẳng định hồ chứa bùn đỏ chịu được động đất cấp 9, ông Đặng Hùng Võ nói: “Chỉ tin vào TKV và một số đơn vị thì dễ rơi vào phiến diện và có thể dẫn tới những quyết định vội vàng, thậm chí không có cơ hội để sửa chữa”. Ông Võ đánh giá việc triển khai dự án, TKV có nhiều cái lợi về kinh tế, do vậy, cần có những khảo sát, tư vấn khoa học độc lập để bảo đảm khách quan.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh, việc bộ trưởng Bộ TN-MT khẳng định về lý thuyết sẽ an toàn là trả lời thiếu trách nhiệm vì tính mạng của người dân không phải câu chuyện lý thuyết. Theo ông Doanh, vấn đề không phải ở quy mô mà đây là dự án quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến tính mạng của hàng triệu con người, không thể cắt hai dự án nhỏ ra để không đạt đến mức quy mô cần QH thông qua. Vì vậy, ông Doanh kiến nghị mời chuyên gia quốc tế, kể cả của Hungary, vào xem xét, rút kinh nghiệm và nên có các đoàn nghiên cứu độc lập. “Không phải tự nhiên tập hợp được rất nhiều ý kiến như vậy và được QH quan tâm, mong kỳ này QH thể hiện quyết tâm cao và phải có nghị quyết riêng về vấn đề bauxite, yêu cầu tạm dừng trước khi có tai họa xảy ra trong thực tế” – ông Doanh nói.
Bình luận (0)