Bây giờ là đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động tại vùng chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ - nơi Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán để phân định ranh giới. Những việc làm đó cho thấy Trung Quốc liên tục coi thường các nước láng giềng và xa hơn, họ đã “đạp” lên luật quốc tế.
Điều đáng nói hơn, những động thái trên liên tiếp diễn ra trong khoảng từ đầu năm 2015 trở lại đây làm cho tình hình biển Đông trở nên nóng bỏng, lôi kéo sự quan tâm của nhiều cường quốc quân sự trên thế giới. Những rục rịch chiến lược quân sự và ngoại giao cho một cuộc phân chia cục diện mới trên biển Đông đang âm ỉ diễn ra. Hòa bình trên biển Đông đang bị đe dọa hơn bao giờ hết.
Cần nói thêm, cái tâm lý “không coi ai ra gì” đó của Trung Quốc, ngoài tham vọng cố hữu, còn xuất phát từ một thứ mặc cảm nằm sâu trong quá khứ, mà nhà nghiên cứu Pascal Boniface chỉ ra trong cuốn “Hiểu thế giới - Các mối quan hệ quốc tế” (Ngô Hữu Long dịch, NXB Thế giới), rằng: “Trung Quốc muốn rửa những mối nhục đã phải chịu đựng vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, khi họ bị cắn xé và chia cắt bởi các cường quốc phương Tây. Trước hết, họ muốn chứng minh rằng từ nay, họ là một đất nước mà người ta không thể áp đặt luật chơi cho họ, điều này đôi khi khiến họ có một thái độ hung hăng”.
Chuyển hóa nỗi mặc cảm bị lệ thuộc trong quá khứ trở thành một thứ hành xử võ biền của chủ nghĩa bá quyền, Trung Quốc bỏ qua rất nhiều giá trị thuộc về thể diện, hình ảnh quốc gia cũng như các thành tựu hữu nghị tốn rất nhiều thời gian và xương máu để thiết lập với các nước chung quanh lẫn với thế giới.
Hơn bao giờ hết, đến lúc Việt Nam buộc đối diện với một thực tế, thách thức không mấy dễ chịu. Là nước láng giềng của Trung Quốc, có những gắn kết, giao hảo trong lịch sử cho đến hiện tại, lại là nạn nhân của chính chiến lược quốc phòng và đối ngoại lệch lạc của Trung Quốc, việc tỉnh táo nhìn nhận và xác lập sự độc lập, giữ thế bình đẳng trong cuộc chiến đấu cho chủ quyền là điều vô cùng quan trọng.
Đa phương hóa vẫn là vấn đề được nhắc tới rất nhiều và đó là con đường duy nhất làm cho vấn đề chủ quyền được thực sự minh bạch. Đôi khi, để đạt được sự minh bạch sòng phẳng và kiên định, cần phải tái cấu trúc sứ mạng ngoại giao trong một cục diện mới; đồng nghĩa với việc phải dứt khoát dẹp qua não trạng ngoại giao bị cầm buộc trong hệ thống mỹ từ quá ư cũ kỹ viển vông - những thứ gây tổn hại từng ngày, từng giờ đến chủ quyền quốc gia, đe dọa nền hòa bình của đất nước.
Những tiếng nói hiểu biết, chính trực, bày tỏ cảm xúc, trách nhiệm về vấn đề chủ quyền của người dân và giới trí thức cần được tôn trọng và coi đó là một nguồn sức mạnh trong thời buổi truyền thông cũng là một kênh ngoại giao, có sức đánh động mạnh mẽ đối với lương tri nhân loại. Và, hơn bao giờ hết, người dân muốn thấy sự bản lĩnh, sáng suốt, độc lập trong những đối sách về chủ quyền Tổ quốc trước những mối nguy đã hiện nguyên hình trước cửa nhà.
Bình luận (0)