Chúng tôi đã tìm gặp nhiều nghệ nhân người Hoa trong khu vực Chợ Lớn và nhận được câu trả lời: Xuất phát điểm của nghề làm lân sư rồng tại VN là từ những đoàn hát của Trung Quốc sang biểu diễn phục vụ triều đình nhà Lê. Sau đó phát triển nghề làm lân tại Đàng Trong. Cho đến ngày nay, TPHCM được xem là “chiếc nôi” của nghệ thuật lân sư rồng nổi tiếng cả nước, với hơn 50 cơ sở sản xuất lân sư rồng có kỹ thuật tiên tiến, ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã.
Bí quyết làng nghề
Cụm làng nghề lân sư rồng phát triển tại vùng giáp ranh 3 quận 5, 11 và 6. Từ đường Lò Gốm chạy dọc xuống ngã tư Lãnh Binh Thăng, quận 11, có đến hàng chục hộ chuyên sản xuất mặt hàng độc đáo này. Hàng trăm thợ làm lân sống khỏe quanh năm dù múa lân sư rồng chỉ nở rộ vào dịp xuân. Ông Tám Quách, chủ lò lân Bình Hòa, quận 6, nói với chúng tôi: “Cách đây 20 năm, các đội lân chuyên nghiệp của TPHCM phải mua lân sư rồng ở Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore... với giá rất cao: Từ 1.200 USD đến 1.500 USD một con. Đến nay, TP đã có hơn 50 cơ sở sản xuất lân sư rồng đạt tiêu chuẩn quốc tế”.
Anh Lương Tấn Hằng, trưởng đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường, cho biết: “Không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước, Hằng Anh Đường còn bán ra nước ngoài theo đường du lịch với giá phải chăng. Năm nay lò chúng tôi nhận làm hàng cho khách hàng ở Singapore và Campuchia, mỗi lô hàng gồm 10 đầu lân, 10 rồng dài
20 m. Giá nhích hơn một chút so với năm ngoái, nhưng vẫn rẻ hơn hàng của nước ngoài... Bạn hàng các nước thích lân sư rồng VN vì màu sắc tươi tắn, tinh xảo. Mùa lễ hội Ngày hội Văn hóa người Hoa tại TPHCM, cơ sở của tôi hút hàng một cách bất ngờ. Trước ngày khai mạc đã bán hết 100 đầu lân cho các tỉnh, thành có đơn vị tham dự. Vui như mở cờ trong bụng!”.
Thâm nhập vào làng nghề nói trên, chúng tôi được biết một công nghệ làm lân sư rồng hết sức tinh tế và khoa học. Gia đình ông Tư Nhứt trên đường Lão Tử, quận 5 có ba đời theo nghề. Ông được người trong nghề gọi là nghệ nhân, có tài làm đầu lân ngày càng nhẹ, từ 14 kg xuống còn khoảng 6 kg. Cách phối màu của ông để đầu lân sư rồng giữ nguyên nét tươi tắn và tinh xảo, có thể chỉ có trong gia tộc mới biết được bí quyết đó. Ông Tư Nhứt khoe: “Tôi đố bạn nhìn mà biết được đâu là màu gốc của mũi lân. Cái mũi đỏ có cái sừng nhìn dữ tợn nhưng rất ngộ nghĩnh là “công trình” pha chế 7 loại màu để ra được mẫu màu đỏ có sắc thắm không sợ nắng, mưa, sương, gió. Khi pha cũng phải biết canh nước, xếp thứ tự theo bảy sắc cầu vồng của thiên nhiên, lệch một màu sẽ hỏng ngay”.
Cô Á Mùi cũng có cách pha màu hết sức độc đáo. Cô không dùng nước mà dùng xăng pha với giấm, rồi sau đó trộn với một dung dịch hỗn hợp có nhiều màu sắc, tạo cho màu mắt, tai lân sắc thái kỳ lạ. Anh Ký, bà Tám Nhiều (quận 6)... cũng thuộc đại gia đình sản xuất lân sư rồng mà ngày nay các gia tộc đã kết hợp lại để hợp đồng sản xuất lân theo công đoạn. Trong “đại gia đình” đó gia đình anh Ký bồi giấy, đan nan tre, bà Tám Nhiều đổ khuôn, tô màu, gắn kim sa, mắt gà, lông tu... khi “hàng thô” đã hoàn tất. Gia đình cô Á Mùi đóng gói, xuất khẩu.
Đến lò làm lân của họ Từ trên đường Lãnh Binh Thăng, quận 11, chúng tôi nhìn thấy hệ thống sản xuất dây chuyền ở đây rất hiện đại, làm ra hàng trăm đầu lân sư rồng mỗi ngày. Anh Lương Tấn Cường tâm sự: “Ba tôi họ Từ nhưng tôi phải mang họ mẹ. Năm nay dòng họ Từ quyết định giao cho tôi 1.000 m2 đất tại Tân Tạo để xây dựng thêm xưởng sản xuất lân sư rồng. Nhân công đã lên tới 120 người. Phải yêu nghề lắm mới có thể gắn bó lâu dài với nghề này. Nhà tôi ba đời sống bằng nghề làm con lân”. Theo các nghệ nhân: Lân làm bằng giấy bồi. Nhờ có khuôn sẵn, giấy nhúng nước ấm đắp lên, nên mỗi công nhân có thể bồi mỗi ngày 20 đầu lân. Ở cơ sở vót sườn tre, người thợ cần sự tỉ mỉ để uốn cong những thanh tre cứng. Sau khi hoàn tất phần sườn, dùng dây sa (loại dây làm bằng giấy tim pháo trước đây) kết nối lại. Sau đó dán một lớp giấy xi măng hoặc vải mùng, rồi tô vẽ cho lân theo từng kiểu dáng của mỗi năm. Bà Tám Nhiều nhấn mạnh: “Lân cũng như thời trang, mỗi năm mỗi kiểu. Phải nương theo thị hiếu để tồn tại. Hơn nữa, ngày nay người yêu thích lân luôn đòi hỏi lân sư rồng phải giống trong phim. Do đó, “mốt” năm Hợi là phải vẽ màu dạ quang, trộn thêm dầu bóng để tránh mưa nắng làm phai màu. Đầu ông Địa cũng phải duyên hơn, phải có thêm nốt ruồi son ở miệng, vì quan niệm cái duyên ăn nói sẽ giúp chủ nhà gặt hái thành công”.
Đắt hàng mùa lễ hội
Thị trường lân sư rồng đầu năm 2007 có nhiều chủng loại từ cao cấp đến hàng chợ. Trung bình một đầu lân nặng từ 3 đến 6 kg, đầu rồng nặng 20 kg, sư nặng 8 đến 10 kg. Và tùy theo trọng lượng mà đặt ra giá thành. Nếu các cơ sở làm hàng chợ mỗi ngày sản xuất 20 đầu lân, thì với hàng cao cấp, thời gian sản xuất một đầu lân mất một tuần. Điểm qua giá cả hiện nay, lân sư rồng cao cấp của VN được cho là có giá thành thấp hơn các nước. Ông Tư Thống, một nghệ nhân 71 tuổi, phân tích: “Tiền nào của nấy thôi. Nếu lân sư rồng hàng chợ gắn lông mi, lông tu bằng sợi cước, thì hàng cao cấp gắn bằng lông cừu được nhập từ nước ngoài về, do vậy giá mới đắt. Nhưng so với các nước vẫn rẻ hơn.
Xếp vải may lưng lân sư rồng, công việc hằng ngày của các học viên đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường |
Ông Tư cho biết giá lân cao cấp từ 5 triệu đến 15 triệu đồng/con. Rồng dài theo kích thước, giá từ 30 triệu đồng đến 120 triệu đồng/con/20 m trở lên. Năm ngoái đoàn lân Hằng Anh Đường đã trình làng con rồng dài 188 m và Nhơn Nghĩa Đường đã chào mừng Tết Đinh Hợi với con rồng dài 200 m, phải quy tụ hơn 180 diễn viên múa tiết mục này.
Hiệp hội lân sư rồng, bao giờ? Anh Lương Tấn Hằng cho biết: “Hơn nhau là ở chỗ tạo con lân nét đẹp riêng, nặng ký nhưng gọn gàng. Những hoa văn, họa tiết cầu kỳ không bằng sự gọn, nhẹ và tạo được dáng vẻ thanh khiết nơi đầu lân. Chúng tôi rất mong muốn có được một hiệp hội sản xuất lân sư rồng, để các cơ sở đoàn kết, cạnh tranh trong lành mạnh, ngày càng sáng chế ra những bộ sưu tập lân sư rồng đẹp, đạt chất lượng và đủ tiêu chuẩn cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Ở đó rất cần có sự trao đổi, nghiên cứu để nghề làm lân sư rồng không mai một”. Theo bà Tám Nhiều, TPHCM nếu có một hiệp hội sẽ giúp các nhà sản xuất trong nước tiếp cận với thị trường các nước qua mạng Internet, bà mong muốn thị trường làm lân không chỉ sôi động vào dịp Tết mà sẽ “mua may bán đắt” quanh năm. |
Bình luận (0)