Liên quan đến vụ việc công nhân viên Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng thoái vốn của VnSteel tại Công ty CP Lưới thép Bình Tây do lo ngại thất thoát tài sản nhà nước là 3 khu đất trị giá hàng ngàn tỉ được công ty này sử dụng, ngày 12-6, phóng viên Báo Người Lao Động đã khảo sát, ghi nhận thực tế sử dụng 3 khu đất này.
Lấy đất nhà nước cho thuê lại
Một trong 3 khu đất mà Công ty CP Lưới thép Bình Tây có quyền sử dụng nằm tại địa chỉ số 425 (số cũ 117) Âu Cơ, phường Phú Trung, quận Tân Phú. Khu đất này khá rộng, chiều ngang khoảng 50 m, dài gần 200 m. Tuy cổng ra vào khu đất có treo bảng "Công ty CP Lưới thép Bình Tây" nhưng sát bên cổng là một nhà hàng ăn uống. Đi vào bên trong khu đất khoảng 100 m, ngoài văn phòng giao dịch của Công ty CP Lưới thép Bình Tây, chúng tôi ghi nhận hàng chục cơ sở sản xuất đồ gỗ, sắt thép, bãi tập kết vật liệu xây dựng, nhà xưởng cơ khí, kho hàng hóa của nhiều công ty khác đang hoạt động. Đặc biệt, có đến 70% diện tích của khu đất được trưng dụng làm nhà tạm, bãi đỗ xe tải, ô tô.
Lân la làm quen với một chủ xưởng cơ khí, người này cho biết đã thuê mặt bằng của Công ty CP Lưới thép Bình Tây từ nhiều năm trước. "Nghe nói trong thời gian tới, khu đất này sẽ được xây dựng chung cư đúng không anh?" - tôi hỏi. Chủ xưởng đáp: "Chúng tôi cũng nghe nói như vậy cách đây vài năm song đến nay vẫn chưa thấy xây".
Hầu hết diện tích đất tại khu đất 425 đường Âu Cơ được sử dụng vào việc cho thuê lại
Anh Trương Văn Quyết, một hộ dân ở gần khu đất 425 Âu Cơ, cho hay cư dân khu vực này cũng thường bàn tán công ty sẽ xây Trung tâm Thương mại - chung cư Steel Cali. "Chúng tôi từng chứng kiến một số đơn vị đem máy móc đến khoan dò khảo sát địa chất tại khu đất này" - ông Quyết nói.
Đến khu đất thứ hai thuộc quyền sử dụng của Công ty CP Lưới thép Bình Tây tại số 165/5 Nguyễn Văn Luông, phường 6, quận 6, khi chúng tôi ngỏ ý với nhân viên bảo vệ rằng muốn thuê kho để hàng hóa thì người này cho hay không còn chỗ. Nhìn vào các dãy nhà nằm trong khu đất, chúng tôi ghi nhận một công ty sản xuất hàng điện tử đang hoạt động, một dãy nhà lớn được dùng làm kho, phần đất trống và các nhà xưởng khác dùng làm xưởng cơ khí và bãi xe.
Còn khu đất ở địa chỉ 792 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6 là một nhà xưởng khá rộng, cửa đóng then cài. Thế nhưng, ngay tại cửa ra vào có treo bảng nhận giữ ô tô từ 2-7-16 chỗ ngồi. Nhìn vào bên trong, chúng tôi thấy có rất nhiều ô tô. Một người dân địa phương cho hay bãi xe này tồn tại từ nhiều năm nay.
Tạo nguồn thu để trả tiền thuê đất?
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, về bản chất, khu đất trên đường Âu Cơ và khu đất trên đường Nguyễn Văn Luông thuộc sở hữu nhà nước. Công ty CP Lưới thép Bình Tây là đơn vị thuê lại 2 khu đất này theo hình thức thuê của nhà nước trả tiền hằng năm (không phải là giao đất sử dụng lâu dài có thu tiền sử dụng đất). Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 2 khu đấy này đã hết hạn cách đây 10 năm (từ tháng 12-2006), việc cho thuê hay chấm dứt cho thuê thuộc quyền của địa phương. Vì thế, công ty này không phải là đơn vị sở hữu 2 khu đất.
Trong khi đó, Bộ Tài chính xác nhận sau khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hết hạn, Công ty CP Lưới thép Bình Tây vẫn tiếp tục trả tiền thuê đất cho nhà nước. Mặt khác, công ty này cũng ký hợp đồng hợp tác đầu tư liên doanh với 2 doanh nghiệp (DN) khác để triển khai 2 trung tâm thương mại - chung cư tại khu đất trên đường Âu Cơ và khu đất trên đường Nguyễn Văn Luông. Trong thời gian chờ đợi thực hiện 2 dự án này, Công ty CP Lưới thép Bình Tây vẫn trực tiếp khai thác, tận dụng mặt bằng làm nhà kho, bãi đậu xe để có nguồn thu đóng tiền thuê đất cho nhà nước. Riêng khu đất 792 Phạm Văn Chí, Công ty CP Lưới Thép Bình Tây có phương án xây trụ sở làm việc.
Dù vậy, về pháp lý, Bộ Tài chính cho rằng đối với 3 khu đất trên, DN phải quản lý sử dụng đất đúng quy định, không được xây mới, chuyển nhượng, cho thuê lại, góp vốn… Theo quan điểm của bộ này, việc Công ty CP Lưới thép Bình Tây góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại các khu đất để ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các DN khác trong giai đoạn 2010-2011 trên cơ sở GCNQSDĐ đã hết hiệu lực là không phù hợp với quy định tại Quyết định 599 ngày 14-2-2006 của UBND TP HCM và quy định của pháp luật đất đai.
Ngoài những vấn đề liên quan đến việc xác định giá trị cổ phiếu, giá trị DN, tài sản nhà nước khi VnSteel thoái vốn khỏi Công ty CP Lưới điện Bình Tây, vấn đề mà giới chuyên môn đặt ra là cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc giao đất, cho thuê đất tại 3 "khu đất vàng" mà công ty này sử dụng. Đó còn là câu hỏi nhà nước thất thoát ra sao, DN hưởng lợi thế nào trong cả chục năm Công ty CP Lưới thép Bình Tây hết hạn sử dụng đất nhưng vẫn mặc nhiên sử dụng để cho thuê lại trái với quy định hiện hành?…
Theo Bộ Công Thương, giá trị đất tại Công ty Công ty CP Lưới thép Bình Tây sẽ được xác định khi chủ đầu tư các dự án hợp tác được UBND TP HCM cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và nộp tiền sử dụng đất cho địa phương.
Bình luận (0)