Tại những di tích này, năm thì mười họa mới có khách đến tham quan. Đường dẫn vào di tích thì vô cùng chật chội, cỏ dại mọc um tùm. Thậm chí, có di tích được người dân địa phương dùng làm nơi nhốt gia súc.
Hẩm hiu, dơ bẩn
Vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào tháng 8-2011 nhưng di tích lăng mộ bà Đoàn Quý Phi (làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trước đó, vào năm 2005, khu lăng mộ bà Đoàn Quý Phi được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là lăng mộ cổ xưa nhất thời các chúa Nguyễn ở phía Nam, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVI, XVII. Theo lịch sử văn hóa của tỉnh Quảng Nam, Đoàn Quý Phi tức là bà Đoàn Thị Ngọc, con gái của hào trưởng làng Chiêm Sơn. Về sau, bà là vương phi của chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan).
Bà Đoàn Quý Phi được dân gian tôn là bà chúa tằm tang bởi có công ủng hộ, khuyến khích người dân trồng dâu, nuôi tằm, phát triển nghề ươm tơ dệt lụa. Nhờ đó, nghề tằm tang ở Đàng Trong khi ấy được mở mang và có nhiều mặt hàng nổi tiếng, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Bà mất năm 1661, được con trai là chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) đưa về an táng tại quê nhà (gò Cốc Hùng thuộc làng Chiêm Sơn ngày nay).
Di tích lăng mộ bà Đoàn Quý Phi nằm trên một gò cao, cách xa khu dân cư và khá vắng vẻ bởi ít người lui tới.
Ông Nguyễn Văn Đinh (ngụ xã Duy Trinh) cho biết quanh năm suốt tháng chẳng thấy ai lui tới khu di tích này mặc dù phía ngoài Tỉnh lộ 610 (đường dẫn vào khu lăng mộ) cách đó 1 km có đề biển hiệu là di tích quốc gia. Nay thì cỏ dại um tùm cả di tích. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới men theo đường mòn ngập đầy bùn non và phân trâu để tìm được cổng của di tích.
Ông Nguyễn Văn Đinh cho biết trước đây, di tích này còn hoang tàn hơi gấp bội lần vì thành ngoại và thành nội đều đổ nát; gần đây mới được tu bổ, xây lại thành ngoại và nội để bảo vệ. Tuy nhiên, sau khi tu bổ, di tích này cũng xem như bị bỏ quên bởi không có ai thăm nom. Cánh cổng dẫn vào lăng mộ gỉ sét. Bức tường cạnh cổng được lắp khung gạch hoa văn đã bị đục phá thành một lỗ thủng khá to, đủ một người lớn chui lọt.
Khá bất ngờ khi bước vào bên trong khu lăng mộ, chúng tôi thấy toàn phân trâu bò dưới nền cỏ dại. Chẳng những thế, lư hương trên mộ cũng tàn lạnh do phơi nắng mưa và lâu ngày không có người viếng.
Bà Lê Thị Huệ (ngụ xã Duy Trinh) cho biết lợi dụng khu di tích có tường rào nên nhiều người dân tranh thủ cột trâu, bò vào trong đó nên bên trong mới đầy phân. “Chẳng biết di tích gì mà hương tàn khói lạnh. Quanh đây cũng có nhiều khu mộ của dân nhưng lúc nào cũng sáng sủa bởi được người thân thắp nhang thường xuyên và sơn quét khi có dịp lễ, Tết. Tôi ở đây hoài nhưng chưa thấy khi nào có người ghé đến thăm lăng” - bà Lê Thị Huệ nói.
Ông Lưu Công Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Trinh, cho rằng sở dĩ di tích này không có người trông coi vì thiếu kinh phí và còn vì số lượng khách đến viếng thăm mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đổ nát
Phật viện Đồng Dương là một di tích quý giá nhất của thời kỳ Chăm Pa ở làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ghé thăm di tích này, nhiều người không khỏi xót xa khi biết công trình này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001. Khu di tích quý giá nổi tiếng, một thời từng được xem là Trung tâm Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á, được vua Indravarman II xây dựng vào năm 875, hiện chỉ còn lại một phần tháp nằm giữa đống đổ nát, hoang tàn.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh, Phật viện Đồng Dương bị tàn phá nghiêm trọng. Nhờ được đánh giá là một di tích quý giá nên sau đó đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Dù vậy, danh hiệu này xem như chỉ được công nhận trên giấy.
Theo ông Trà Biếu (SN 1928, ngụ làng Đồng Dương), khu di tích này bấy lâu bị xâm hại nghiêm trọng bởi không ai ngó ngàng đến. Vì có lời đồn ở di tích này chôn nhiều vàng và các bức tượng quý nên nhiều người đến đây để tìm kiếm, đào xới. “Trước đây, di tích này bị bao bọc bởi cây rừng nguyên sinh rậm rạp, rất khó khăn mới vào được. Bây giờ, dân phá rừng lấy củi rồi trồng keo khiến không ai còn nhận ra di tích quốc gia trong đó nữa” - ông Trà Biếu ngậm ngùi.
Khi chúng tôi đến, người dân địa phương đã thu hoạch hết keo, còn để lại gốc và vỏ keo nằm chỏng chơ trên những bụi cỏ dại um tùm. Tháp Đồng Dương ở đó nhưng không có một lối dẫn vào. “Nghe đâu có dự án tu bổ, tôn tạo gì đó nhưng chẳng thấy. Cứ đà này thì di tích chẳng mấy chốc thành phế tích, không ai đoái hoài đến nữa” - ông Trà Biếu chua xót
Kỳ tới: Cho xây nhà trong di tích
Chung quy cũng một chữ tiền!
Theo ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu di tích quốc gia bị xâm hại, đang xuống cấp. Tuy nhiên, việc trùng tu và tôn tạo gặp khó khăn bởi thiếu kinh phí. Phật viện Đồng Dương đang được lập dự án tu bổ nhưng chưa biết đến khi nào thực hiện vì vẫn chưa có nguồn tiền. Còn đối với di tích lăng mộ bà Đoàn Quý Phi thì ngành chức năng cũng cắt cử người chăm sóc hằng tháng, hằng năm. Việc kiếm người trông coi thường xuyên những di tích này rất khó bởi không có tiền trả thù lao.
Cũng theo ông Tịnh, những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ở tỉnh Quảng Nam như lăng mộ Đoàn Quý Phi, Phật viện Đồng Dương, tháp Chiên Đàn… gặp khó trong việc thu hút khách du lịch, chủ yếu là để tuyên truyền cho học sinh hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Bình luận (0)