Những ngôi nhà bạc tỉ nhờ nghề nuôi tôm hùm mọc lên ngày càng nhiều ở vịnh Hòa
Ngày 4-12, giá tôm hùm mua tại xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu – Phú Yên đạt kỷ lục mới: 2,65 triệu đồng/kg. Với giá này, nhiều người dự báo vịnh Hòa sẽ có thêm những tỉ phú mới.
Hơn nửa số hộ là tỉ phú
Nằm bên eo đầm Cù Mông, 520 hộ dân ở vịnh Hòa đều sống bằng nghề nuôi tôm hùm. Ông Nguyễn Văn Thềm (65 tuổi) cho biết trước đây, khi vịnh Hòa còn dựa vào nghề chài lưới ven đầm, mùa biển động, nhiều hộ phải lên núi đào củ mài về ăn vì không có gạo. Nhưng sau đó, con tôm hùm đã đổi đời người dân làng này.
Năm 1995, ông Thềm cùng một số hộ ở đây bắt tôm hùm con từ biển về nuôi thử nghiệm, thấy làm ăn được, nghề nuôi tôm hùm phát triển dần. Năm nay, nuôi 22.000 con, ông Thềm vừa xuất bán 5.000 con, thu được hơn 2,5 tỉ đồng, trừ chi phí, còn lãi gần 2 tỉ đồng.
“Chỉ có con tôm hùm mới đổi đời gia đình tôi nhanh như vậy. Cả làng này nếu không có con tôm hùm sẽ chẳng biết bao giờ mới “ngóc đầu” lên được”- ông Thềm cho biết.
Hiện toàn thôn ở vịnh Hòa có hơn 3.500 lồng nuôi tôm hùm. Trong đó, có 352 hộ nuôi từ 5.000 con trở lên, doanh thu hằng năm hơn 2,2 tỉ đồng/hộ, trừ chi phí còn lãi hơn 1,5 tỉ đồng. Nhờ vậy, từ những ngôi nhà mái tranh vách đất, giờ đây, nhiều ngôi nhà bạc tỉ được mọc lên ở vịnh Hòa.
Ông Huỳnh Ngọc Ánh (48 tuổi) từ đánh lưới thuê chuyển sang nuôi tôm hùm được 7 năm, vừa phá bỏ nhà cũ dựng lại nhà mới trị giá 44 lượng vàng, trong khi trong lồng nuôi hơn 2.000 con tôm hùm đã đến kỳ xuất bán.
Thu hoạch tôm hùm ở vịnh Hòa
Thanh niên ở vịnh Hòa nói đùa: Lâu rồi, không biết uống rượu nấu. Giỗ chạp chỉ có bia lon, chỉ cần bán 2 con tôm hùm là đủ để sắm sửa bữa tiệc đàng hoàng. “Con tôm hùm cõng trên lưng tất cả mọi chi phí của người dân trong làng. Tôm hùm còn, vịnh Hòa còn phát triển”- ông Lê Văn Khen, trưởng thôn Vịnh Hòa, nói vui.
Vị thế đắc địa
Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Phú Yên, vịnh Hòa nằm ở vị thế đắc địa đối với việc nuôi trồng thủy sản, giúp cho nghề nuôi tôm hùm phát triển ổn định.
Nằm trong đầm Cù Mông, nền đáy cát pha phù hợp cho con tôm hùm phát triển, lại gần cửa biển nên nguồn nước vùng nuôi ở đây được lưu thông tốt, không bị ô nhiễm. Vùng nuôi này lại cách xa sông suối nên nguồn nước không bị ngọt hóa, hạn chế tình trạng tôm bị sốc nước ngọt chết hàng loạt trong mùa lũ như nhiều nơi khác.
Dù nằm gần cửa biển nhưng khu vực này lại được núi bao bọc tạo thành vịnh nên không có sóng lớn, tôm ít bị ảnh hưởng khi có bão. “Nhờ vị thế này, người nuôi tôm hùm ít phải lo đến yếu tố thời tiết”- ông Lê Văn Thành, một người nuôi tôm hùm lâu năm ở vịnh Hòa, cho biết.
Đối với nghề nuôi tôm hùm, do không có giống nhân tạo và thức ăn công nghiệp nên giống và thức ăn thường chiếm đến 50% giá thành tôm thương phẩm. Trong khi đó, những người nuôi tôm hùm ở vịnh Hòa lại có điều kiện hạ thấp 2 khoản chi phí này.
Nhờ nằm gần cửa biển, hầu hết người nuôi tôm hùm ở đây đều có thuyền để khai thác hải sản. Mùa đánh bắt tôm hùm giống (thường là mùa biển động, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), những người nuôi tranh thủ, khai thác con giống tự nhiên để nuôi thương phẩm.
Hết mùa khai thác tôm hùm giống, người nuôi lại dùng phương tiện để khai thác hải sản để làm thức ăn cho tôm hùm. “Nghề nuôi tôm hùm ở đây gần như khép kín, nhờ vậy mà có hiệu quả kinh tế cao”- ông Nguyễn Văn Thềm nói.
Quy hoạch thành vùng trọng điểm
Theo ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, hiện địa phương này có trên 26.000 lồng bè nuôi tôm hùm. Nuôi tôm hùm đang là nghề mũi nhọn ở thị xã Sông Cầu, giúp hơn 5.000 hộ dân nghèo vươn lên làm giàu. “Thị xã Sông Cầu đang quy hoạch lại vùng nuôi tôm hùm để phát triển hơn nữa nghề này. Trong đó, vịnh Hòa được lựa chọn là vùng nuôi tôm hùm trọng điểm của địa phương và của cả tỉnh”- ông Kiên nói. |
Bình luận (0)