Chiến dịch kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn tổ chức sau Tết Nguyên đán tại Bắc Ninh mà Tổ chức Động vật châu Á (AAF) vừa phát động đã dấy lên cuộc tranh luận về những nghi thức truyền thống được đánh giá là dã man, cần xóa bỏ trong xã hội văn minh.
“Không thể gọi là văn hóa”
Trong thư ngỏ đưa ra hôm 27-1, AAF phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du (nay là khu phố Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh), tỉnh Bắc Ninh. AAF cho rằng đây được coi là lễ hội tàn bạo, đã và đang bị rất nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước lên án. Hoạt động này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý con người mà còn tác động đến kinh tế xã hội, cụ thể là ngành du lịch và hình ảnh của Việt Nam.
Trong 2 năm qua, AAF nhiều lần gửi công văn đến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) , UBND tỉnh Bắc Ninh cùng các cơ quan chức năng kêu gọi chấm dứt hoàn toàn các hoạt động này. Ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ phúc lợi động vật của AAF, khi chia sẻ với báo chí đã nhấn mạnh sở dĩ tổ chức này phản đối lễ hội chém lợn bởi những tác động tiêu cực của nó với vấn đề phúc lợi của động vật và toàn xã hội. Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật. “Việc tiếp diễn lễ hội này gửi đi một thông điệp rằng động vật chỉ được coi như những đồ vật không đáng được tôn trọng và liệu rằng việc giết chúng theo một cách thức dã man để khởi đầu cho một năm mới có nên được tiếp tục?” - ông Thanh đặt vấn đề.
Theo ông Thanh, việc chém lợn làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện và dễ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, lễ hội này còn gây ra sự chịu đựng, nỗi đau đớn không cần thiết cho động vật. Chuyên gia của AAF cho rằng hành động đâm trâu, chém lợn hay bất kỳ lễ hội nào có lối đối xử tàn bạo với động vật trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em, là hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam và cũng không thể gọi là văn hóa sống của con người.
Linh hoạt sửa đổi
Trước phản ứng mạnh mẽ của AAF, đại diện Bộ VH-TT-DL đã có những phản hồi. Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) - cơ quan trực tiếp quản lý các hoạt động lễ hội trên cả nước, cho rằng quan điểm của cục là việc tổ chức lễ hội phải đúng với tinh thần chỉ đạo của Ðảng và nhà nước là xây dựng văn hóa lễ hội lành mạnh, hướng đến những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Theo bà Thủy, ngoài Bắc Ninh có lễ hội chém lợn, còn có lễ hội chọi trâu ở Hải Phòng, đâm trâu ở Tây Nguyên... Vì thế, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa. “Khi tìm ra nguồn gốc của lễ hội đó thì mới có thể kết luận rằng nó phản cảm hay không” - bà Thủy nói.
Ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Thông tin cơ sở, cho rằng lễ hội có phản cảm, cần phải xóa bỏ hay không tùy thuộc vào quan điểm tiếp cận vấn đề. Quan điểm của Đảng là tôn trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, 54 dân tộc là 54 phong tục tập quán khác nhau. “Khi lên tiếng về việc chém lợn, không nên lấy quan điểm phương Tây áp đặt vào văn hóa phương Đông. Có lẽ những người lên tiếng chưa hiểu rõ lắm về nguồn gốc, xuất phát cũng như ý nghĩa của lễ hội này. Không lẽ lại cấm người Tây Nguyên đâm trâu, cấm người Hải Phòng chọi trâu?” - ông Bảo nêu quan điểm. Tuy nhiên, theo ông Bảo, việc thực hiện những nghi lễ truyền thống của lễ hội này nên được làm trong không gian nhỏ và không nên phơi bày mọi hình ảnh ra ngoài một cách trần trụi.
Ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL, cho hay quan điểm cá nhân ông là không khuyến khích những hành động dã man trong lễ hội. “Truyền thống nhưng hủ tục, cản trở sự phát triển là điều không nên” - ông Tân nhấn mạnh. Theo ông Tân, việc chấm dứt hay linh hoạt sửa đổi phần nào lễ hội chém lợn cho phù hợp với cộng đồng quốc tế là do cộng đồng làng Ném Thượng quyết định. Bộ VH-TH-DL chỉ khuyến cáo nếu cần chứ không vội vã cấm đoán.
Trước nhiều ý kiến phản hồi, ngày 31-1, lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh cho hay năm 2015, làng Ném Thượng sẽ có lễ hội rước lợn thay cho chém lợn như trước. Nghi thức giết, mổ lợn làm cỗ ngọc sẽ được thực hiện ở một nơi kín đáo. Ngoài những người được phân công nhiệm vụ, sẽ hạn chế tối đa người dân và du khách vào khu vực này.
Bị biến tướng
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm, bao nhiêu năm nay, nhiều người thường gọi lễ hội đâm trâu là không đúng mà đó là lễ ăn trâu - một trong những nghi lễ của một lễ hội nào đó. Ví dụ, người M’nông mà thu hoạch được 100 gùi lúa thì sẽ làm lễ tạ ơn thần linh với vật tế là một con trâu. Hay người Ê Đê khi làm lễ bỏ mả cho dù có nhiều bò đi nữa thì cũng phải có trâu vì đây là con vật được quý trọng, to nhất, thanh sạch nhất để dâng lên các thần linh... “Trước đây, người ta đâm một nhát trúng tim để con trâu chết nhanh chóng, chứ không phải lâu lâu đâm một nhát để nó đau đớn, lồng lộn, máu me như ngày nay” - bà Linh Nga Niê Kdăm nói.
Theo bà Linh Nga Niê Kdăm, lễ ăn trâu của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên xưa có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là bữa ăn của cộng đồng. Còn hiện nay, thỉnh thoảng người ta vẫn thực hiện lễ đâm trâu trong một số sự kiện nào đó để thu hút khách du lịch.
C.Nguyên
Bình luận (0)