Về thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam hỏi thăm nhà ông Phạm Văn Nhì hay “lão Nhì giữ rừng” thì ai cũng hồ hởi chỉ đường. Người dân nơi đây cho biết nhờ công lao hơn 20 năm nay của ông Nhì mà gần 20 ha rừng ngập mặn trên dưới 150 năm tuổi nằm xung quanh thôn vẫn được giữ nguyên, mặc cho “cơn lốc” nuôi tôm nước lợ từng quét qua vùng này cách đây hơn 2 thập kỷ. Bà con chòm xóm nể phục, quý mến nên gần 10 năm nay, ông Nhì luôn được tín nhiệm giữ chức trưởng thôn Đông Xuân.
Kiên trì vận động người dân
Xã Tam Giang vốn là một ốc đảo nằm giữa dòng Trường Giang, cuộc sống người dân vốn khó khăn và phụ thuộc vào nghề đi biển nhưng được thiên nhiên ưu ái cho vùng này gần 200 ha rừng ngập mặn nguyên sinh.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, phong trào nuôi tôm nước lợ nở rộ khắp xã Tam Giang khiến chính quyền trở tay không kịp. Khi đó, toàn xã có 6 thôn thì người dân của 5 thôn đã viết đơn xin chặt rừng ngập mặn để lấy đất làm đìa nuôi tôm. Nhưng lạ thay, gần 200 hộ dân thôn Đông Xuân vẫn quyết không chặt rừng để nuôi tôm. Qua tìm hiểu mới biết chính ông Phạm Văn Nhì đã lặn lội đến từng nhà dân vận động, khuyên nhủ, giải thích để bà con không phá rừng ngay sau khi “cơn lốc” nuôi tôm nước lợ quét qua ốc đảo này.
Theo chân ông Nhì vào dãy rừng ngập mặn kéo dài hàng cây số, chúng tôi mới thấy được những giống cây đước, mắm… rồi cây cốc hàng trăm năm tuổi vẫn ngày ngày bám rễ bảo vệ xóm làng, tạo bầu không khí xanh cho bà con hít thở. Tuổi đã ngoài 80 và vừa thôi chức trưởng thôn nhưng ông Nhì vẫn quả quyết: “Dù tuổi đã cao nhưng được làm những việc có ích để giúp làng quê và bà con thì tôi vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi kiệt sức mới thôi”.
Để người dân trong thôn không chặt rừng lấy đất nuôi tôm, ông Nhì đã gõ cửa từng nhà giải thích và nêu ra những tác hại lâu dài khi rừng ngập mặn mất đi. “Ròng rã mấy tháng trời, tôi cũng phấn khởi vì hơn 200 hộ dân trong thôn đã cam kết không phá rừng và tiếp tục theo nghề truyền thống là đi biển để mưu sinh” - ông Nhì tự hào. Qua hơn chục năm chạy đua nuôi tôm, nhiều hộ trong xã đã phải phá sản vì nguồn nước lợ không còn phù hợp, tôm giống bị lai tạp nên chết rất nhanh.
Giá như…
Ông Nhì cho biết nuôi tôm nước lợ mặc dù thu lợi rất cao nhưng về lâu dài sẽ gây ô nhiễm và dễ phá sản vì tự phát. “Ngoài chuyện giữ rừng, ông Nhì còn vận động người dân tôn tạo và xây hệ thống đê để kết hợp với rừng ngập mặn ngăn nguồn nước biển tràn vào ruộng đồng nên dù diện tích đất lúa ít nhưng vẫn cho năng suất khá cao” - bà Cao Thị Hoa, ngụ thôn Đông Xuân, nói.
Để bảo đảm cho người dân an tâm làm ăn và không bàn đến việc phá rừng nuôi tôm, ngay từ ban đầu, ông Nhì cùng các cụ cao niên trong thôn lập ra Hội Bảo thọ với các thành viên là những người cao tuổi có uy tín. Hơn 20 năm nay, khoảng 100 thành viên của hội ngày đêm theo dõi toàn bộ diện tích rừng trong thôn. Không những thế, ông Nhì còn vận động các tổ chức hỗ trợ trồng thêm gần 7 ha cây đước và mắm tại những khu vực có nguy cơ bị xói lở do nước biển dâng.
Theo ông Nguyễn Văn Liền, nguyên Trưởng Ban Thủy sản xã Tam Giang, hiện có hàng trăm ha diện tích nuôi tôm phải bỏ hoang vì thua lỗ, trong khi rừng không còn như trước. Ngoài Tam Giang, các xã Tam Quang, Tam Hiệp của huyện Núi Thành cũng có nhiều diện tích đất nuôi tôm bị bỏ hoang. “Nếu như người dân các thôn khác trong xã hiểu thấu được việc làm từ thôn Đông Xuân thì nhiều diện tích rừng ngập mặn sẽ còn xanh đến hôm nay” - ông Liền tiếc nuối.
Bình luận (0)