xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lập bảo tàng tri ân đồng đội

Bài và ảnh: VĂN DUẨN

Bảo tàng độc nhất vô nhị này do một thương binh hạng 1/4 hiến toàn bộ đất đai của tổ tiên rồi bỏ tiền của, công sức cùng đồng đội cất công tìm kiếm, lưu giữ suốt hàng chục năm

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nằm ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội (cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km). Nơi đây lưu giữ những bằng chứng “sống”  tố cáo tội ác chiến tranh và qua đó tri ân những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Từ nỗi ám ảnh chiến tranh…

Ông Lâm Văn Bảng sinh năm 1943 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên. Học hết lớp 7, ông đi làm công nhân, sau đó tình nguyện vào quân đội.

Ông Lâm Văn Bảng bên những hiện vật ở bảo tàng
Ông Lâm Văn Bảng bên những hiện vật ở bảo tàng

Cuối năm 1965, ông cùng các đồng đội ở Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 hành quân từ Hòa Bình vào Tây Ninh, sau đó biên chế vào Đại đội 16, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9. Trong đợt 1 chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Bảng tham gia chiến đấu ở Sài Gòn, hoàn thành nhiệm vụ thì rút về củng cố lực lượng để đánh đợt 2. Thế rồi, trong một trận chiến đấu ác liệt, ông bị thương nặng gãy chân và tay, được đồng đội kéo xuống hố bom ẩn nấp. Lúc này, quân địch ráo riết đi càn, phát hiện và bắt giam ông ở Biên Hòa (Đồng Nai), sau đó chuyển ra nhà tù Phú Quốc suốt 4 năm 8 tháng 7 ngày. Năm 1973, ông Bảng cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris.

Hình ảnh cai ngục ở nhà tù Phú Quốc tra tấn các chiến sĩ cách mạng
Hình ảnh cai ngục ở nhà tù Phú Quốc tra tấn các chiến sĩ cách mạng

Những tháng ngày bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, ông Bảng phải hứng chịu vô số trận tra tấn dã man, những ngón đòn không tưởng tượng nổi của quân địch nhằm hủy diệt ý chí của người chiến sĩ cộng sản. “Chúng dội nước sôi vào miệng, nhốt trong “chuồng cọp” hay cặp điện vào tai, lấy kìm nhổ móng tay, móng chân. Đau đớn hơn, những đồng đội của tôi còn bị đập gãy hết răng hoặc đóng từng chiếc đinh vào đầu cho đến chết” - ông Bảng kể.

Trở về đời thường, hình ảnh đồng đội ngã xuống thương tâm cứ ám ảnh khôn nguôi trong lòng người cựu tù. Nhất là lúc trái gió, trở trời, vết thương hành hạ đau đớn, những hình ảnh đó lại ùa về. Sau nhiều đêm mất ngủ, ông nảy ra ý định đi sưu tầm những kỷ vật về các đồng đội trong những tháng ngày nghiệt ngã tại nhà tù Phú Quốc. “Người ta bảo đó là hội chứng chiến tranh nhưng tôi không nghĩ vậy. Đây là cái duyên nợ, trách nhiệm của mình với đồng đội mà thôi” - ông Bảng tâm sự.

… Đến hành trình tìm về ký ức

Thế rồi từ năm 1985, được sự động viên của đại tá Tô Diệu, nguyên Phó Cục trưởng Cục Dân vận - Bộ Quốc phòng và Ban Liên lạc tù binh Việt Nam, ông Lâm Văn Bảng lặng lẽ đi sưu tầm hiện vật trên cả nước.

Trong suốt hành trình tìm kiếm, ông và đồng đội nhiều lần phải nhịn đói, nhịn khát vì hết tiền dọc đường. Vào năm 2003, ông cùng ông Chu Hữu Ngọc tìm về chiến trường xưa, nghĩa trang liệt sĩ để xin đất và chân hương về lập bát chân hương cho đền thờ liệt sĩ trong bảo tàng. Các ông đã đến tận Đền thờ Bác Hồ ở Đá Chông, các nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên Phủ, Thành cổ Quảng Trị, Trường Sơn, Đền Bến Dược; các nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Côn Đảo, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột... “Mỗi nơi tôi xin một ít đất và ít chân hương mang về đưa vào lư hương để bây giờ, khách đến viếng là viếng Bác Hồ, viếng các liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc” - ông Bảng nói.

Một lần nọ, vừa xong việc, đi đến Nha Trang thì 2 ông hết sạch tiền. May mắn, ông Nguyễn Trọng Dương, trưởng tàu Thống Nhất tuyến Bắc - Nam, đã gặp và biết hoàn cảnh 2 đồng đội cũ nên đã mua tặng 2 ông cặp vé tàu để ra Bắc. “Trên tàu hết tiền, tôi và anh Ngọc phải mua một chén nước chè uống chung. Dù như thế nhưng chúng tôi rất hạnh phúc vì trong ba-lô đã chất đầy những đất, chân hương và một số kỷ vật của đồng đội ở các chiến trường” - ông Bảng kể lại.

Hồi ấy, do chưa có điều kiện nên những kỷ vật mang về, ông Bảng cứ cất đầy trên gác xép để lưu giữ. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2003, ông lập một phòng truyền thống chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vào ngày 19-12-2004. Rồi ông bàn với vợ con hiến toàn bộ hơn 2.000 m2 đất tổ tiên để lập bảo tàng. Đến tháng 10-2006, bảo tàng của ông Bảng được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ký quyết định thành lập và công nhận. Ngày 16-11-2006, bảo tàng chính thức đi vào hoạt động.

Nhân sự bảo tàng hiện có: Giám đốc Lâm Văn Bảng, Phó Giám đốc Kiều Văn Uỵch, nhân viên thuyết minh Nguyễn Văn Khiến, phụ trách hành chính Nguyễn Tiến Mộ cùng 11 cộng tác viên đều là những người lính hoặc cựu tù Phú Quốc. Giám đốc và các thành viên hoạt động theo phương châm 4 “tự” (tự nguyện - tự túc - tự quản - tự chịu trách nhiệm) và làm việc không lương. Bảo tàng cũng không thu tiền vé.

Sưởi ấm linh hồn liệt sĩ

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chia thành 9 phòng, gồm: Các khu Đền thờ Bác Hồ cùng các liệt sĩ đã hy sinh ở nhà tù Phú Quốc và các chiến trường; khu lưu giữ bút tích của Bác Hồ; khu lưu giữ vật dụng và nhiều bức ảnh tư liệu về chiến tranh chống Mỹ; khu trưng bày hình ảnh, mô hình về các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - ngụy; khu giới thiệu tấm gương kiên trung của chiến sĩ cách mạng và hoạt động của những đảng viên trong nhà tù Phú Quốc...

Chỉ vào chiếc đinh nhỏ đựng trong một chiếc hộp bọc nỉ đỏ ở khu trưng bày, ông Lâm Văn Bảng cho biết đó là chiếc đinh mà địch lấy để đóng vào đầu thiếu úy Đặng Hồng Sơn - đặc công hải quân tại nhà tù Phú Quốc. Ông Sơn đã anh dũng hy sinh khi bị chúng đóng 9 chiếc đinh vào cơ thể. Ông Bảng kể: “Khi ra Phú Quốc bốc mộ bạn, tôi đã xin được mang chiếc đinh này từ hộp sọ đồng đội đem về như một kỷ vật để mọi người nhớ đến anh”.

Đến nay, bảo tàng đã quy tập và trưng bày được hơn 3.000 hiện vật quý, mà nói như ông Bảng là “báu vật” minh chứng cho những tội ác “trời không dung, đất không tha” của kẻ thù; minh chứng cho lòng kiên trung với Đảng của những chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Phú Quốc. Sau 8 năm đi vào hoạt động, bảo tàng đã đón hàng vạn lượt người tới thăm viếng. Đó không chỉ là những cựu chiến binh, các cơ quan, đơn vị, địa phương mà còn rất đông học sinh trên cả nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã rất nhiều lần về thăm bảo tàng và đánh giá cao giá trị của các hiện vật cũng như việc làm ý nghĩa của các cựu tù binh ở đây.

Trong khu trưng bày của bảo tàng có một tấm biển ghi những dòng chữ “Xin quý khách nhẹ chân một chút, trong khu này có hồn của bạn tôi. Hiện vật nơi đây thấm đượm máu xương rơi bao đồng đội nơi đảo tù Phú Quốc”.

Hằng ngày, đều đặn vào mỗi bữa cơm, những người trông coi bảo tàng đều để 2 đôi đũa, 2 cái bát mời các đồng đội về cùng ăn. “Chúng tôi ăn cái gì thì các đồng đội đã khuất của chúng tôi cùng được ăn thứ đấy. Anh em hy sinh đã có cái gì đâu. Mình còn sống và được trở về, còn có vợ con, sum họp gia đình. Còn anh em, đồng đội thì... khổ lắm!” - ông Bảng ngậm ngùi.

“Đây là một bảo tàng mà ở đó người ta kể lại những cái chết, những hành động bạo lực dã man nhưng vượt lên trên hết, đây là nơi cái sống sẽ chiến thắng cái chết. Và những người đã sống sót vẫn giữ mãi ký ức về đồng đội…” - bà Anna Maria Salvini, cán bộ Đại sứ quán Ý tại Philippines, viết khi đến thăm bảo tàng.

 

Lá cờ Đảng trong nhà lao Phú Quốc

Tôi đặc biệt chú ý đến lá cờ Đảng chỉ nhỏ bằng bàn tay trưng bày trong bảo tàng. Ông Bảng kể rằng lá cờ này được dùng để kết nạp Đảng cũng như kỷ niệm những sự kiện của đất nước trong nhà tù Phú Quốc. Để có và giữ được lá cờ này, phải đổi bằng xương máu của rất nhiều người. Lá cờ do ông Nguyễn Mạnh Dư (ngụ thôn Phương Nghị, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) - người được tổ chức phân công giữ lá cờ Đảng trong tù - lưu giữ và hiến tặng. Ông Dư kể mỗi lần địch lục soát, ông lại cuốn nhỏ lá cờ vào túi ni-lông rồi dùng dây chỉ buộc vào răng, thả vào cổ họng cho trôi xuống dạ dày. Khi bọn địch rút, ông Dư lại kéo lá cờ ra treo ngay ngắn trên tường để động viên, củng cố quyết tâm đấu tranh của các chiến sĩ trong tù. Ông Dư nói: “Khó khăn lắm tôi mới giữ gìn được, nay tôi trao lá cờ cho bảo tàng để mọi người đến tham quan phần nào hiểu được sự hy sinh to lớn của những chiến sĩ cách mạng bị tù đày ở nhà tù đế quốc”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo