Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM vừa có báo cáo về đề án tập trung đầu mối quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.
Năm sở dồn về một
Đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM cho biết việc thành lập một sở riêng quản lý về nước đã từng được UBND TP gợi ý cho trung tâm cũng như Chính phủ đã đồng ý hướng nghiên cứu. Thế nhưng, hiện ở Việt Nam chưa có một sở nào như thế, quy định cũng không cho phép. Vì thế, trước mắt nên thành lập mô hình chi cục bảo vệ nguồn nước trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch cũng là thử nghiệm hoạt động.
Không nên “đẻ” thêm cơ chế
Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến không tán đồng với việc thành lập thêm một cơ quan nữa. Đại diện Sở NN-PTNT cho biết trước đây, sở này cũng có Chi cục Quản lý nguồn nước, sau đó đổi thành Chi cục Thủy lợi - cũng bao gồm chức năng quản lý nước ngầm. “Bây giờ lại thành lập Chi cục Quản lý nguồn nước trực thuộc Sở TN-MT, cứ quanh quẩn như vậy liệu có giải quyết được vấn đề hay không, cách phối hợp giữa các đơn vị ra sao?” - đại diện Sở NN-PTNT nói.
Theo đại diện UBND quận Bình Thạnh, chức năng, nhiệm vụ của chi cục theo đề án về cơ bản không khác gì với Phòng Quản lý nước và khoáng sản của Sở TN-MT hiện nay, thành lập thêm một chi cục lại “đẻ” thêm cơ chế. Trong khi đó, Sở TN-MT nên tham mưu cho UBND TP các biện pháp để tháo gỡ sự chồng chéo giữa các đơn vị.
Bên cạnh đó, Quyết định 141 của UBND TP HCM về Quy chế Xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch trên địa TP đã ban hành năm 2005 nhưng đến nay chưa được thực hiện. Đồng thời, theo Quyết định 17 của UBND TP về quản lý tài nguyên nước, quận - huyện phải có trách nhiệm cấp phép khai thác và quản lý tài nguyên nước trên địa bàn mình. Thế nhưng, đến nay, hầu hết các quận - huyện đều bỏ lơ công tác quản lý tài nguyên nước dù tình trạng khai thác còn rất nhiều.
Đại diện Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam - Bộ TN-MT cho biết Cục Quản lý tài nguyên nước chuẩn bị thành lập 3 chi cục tại 3 vùng - miền, chi cục miền Nam sẽ đặt tại TP HCM. Vì thế, việc thành lập thêm một đơn vị quản lý cần được cân nhắc.
Nên xem nước như một loại hàng hóa Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Viện Môi trường và Tài nguyên - ĐH Quốc gia TP HCM, TP nằm ở hạ lưu các dòng sông lớn: Đồng Nai, Sài Gòn… vì thế không tự chủ được vấn đề điều tiết nguồn nước, đặc biệt là ảnh hưởng từ các công trình xây dựng trên thượng nguồn. Chẳng hạn, xâm nhập mặn kéo dài trong mùa khô nhưng hồ Dầu Tiếng không xả nước đẩy mặn thì TP có đủ khả năng để can thiệp không hay cần phải có sự hỗ trợ từ bộ ngành, Chính phủ… - vấn đề này cần làm rõ. Tiếp đến, đề án cần xác định rõ đối tượng quản lý chỉ là nguồn nước và nước hay tất cả các hoạt động liên quan như: khai thác, sử dụng, xả thải…, nếu không sẽ ôm việc quá nhiều, gây lúng túng trong quá trình thực hiện... Ông Hùng cho rằng TP HCM cần tập trung xây dựng dữ liệu trực tuyến về công tác quản lý nguồn nước để người dân dễ dàng truy cập thông số về các cơ sở xả thải gây ô nhiễm. “Nên bắt đầu thay đổi tư duy: Xem nước như một loại hàng hóa, từ đó có sự điều tiết, thay đổi trong các chính sách, chiến lược kinh tế để có cơ chế khai thác - thu hồi - bảo vệ tương xứng. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết để bảo vệ bền vững nguồn nước” - ông Hùng nhìn nhận. |
Bình luận (0)