Hình thức phản ứng của những tài xế này là lên mạng xã hội kêu gọi đình công, tắt ứng dụng và đặt chuyến đi ảo.
Bức xúc của cánh tài xế là dễ hiểu bởi họ đầu tư xe cộ, trang phục, dãi nắng dầm mưa trong khi giá cước thấp nhưng mức chiết khấu phải trả cho công ty ngày càng cao. Tuy nhiên, cách làm của một bộ phận tài xế nói trên là tiêu cực, phản cảm, nhất là việc đặt chuyến đi ảo, ảnh hưởng khá lớn đến uy tín của bên cung ứng dịch vụ và miếng cơm manh áo của phần đông tài xế còn lại.
Nhưng nếu cứ mãi chịu đựng thì ai đứng ra chặn đà tăng giá chiết khấu của các nhà cung ứng dịch vụ như Grab hay Uber? Chắc chắn, một khi các nhà kinh doanh này thu hút đủ lượng tài xế đầu quân cho mình rồi thì giá chiết khấu sẽ còn tăng nữa, tăng mãi. Bài ngửa đã lật, ai muốn kiếm tiền từ dịch vụ của họ thì phải chịu! Họ giảm giá cước để tăng ưu thế cạnh tranh so với các loại hình vận tải truyền thống, đồng thời tăng giá chiết khấu để bảo đảm lợi nhuận. Nhờ vậy, chỉ ngồi nhà rung đùi mà được cả nếp lẫn tẻ.
Sự phát triển nhanh chóng của Grab và Uber đặt taxi truyền thống vào thế tiến thoái lưỡng nan: Đổi mới hay là chết? Theo nguyên lý thị trường, dịch vụ nào tốt, rẻ, minh bạch, có lợi cho bên mua thì dịch vụ đó được đón nhận. Taxi truyền thống vốn nhiều điều tiếng, lại chậm đổi mới phương thức kinh doanh nên đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trước sự xâm lấn của Grab và Uber. Thảm kịch phá sản không còn là nguy cơ xa xôi nữa mà đang đến gần, từng ngày. Nhiều tài xế taxi truyền thống bỏ việc, chuyển sang chạy Grab hoặc Uber là minh chứng trước mắt cho điều đó.
Những vấn đề trên đặt ra một bài toán mà các nhà làm chính sách và các nhà quản lý - điều hành xã hội phải tìm gấp lời giải. Giả định như taxi truyền thống phá sản, các thương hiệu môi giới chở khách như Grab, Uber (và sẽ có thêm thương hiệu khác nữa) sẽ làm chủ cuộc chơi và áp đặt luật chơi. Khi đó, liệu người tiêu dùng có còn được hưởng những ưu đãi về giá như hiện nay? Ai sẽ bảo vệ quyền lợi người chạy dịch vụ cho Grab, Uber? Khoản thuế lớn từ taxi truyền thống sẽ mất đi trong khi những đơn vị kinh doanh qua ứng dụng như Grab, Uber đóng thuế khá ít, vậy mất lớn hơn được, làm sao tránh?
Chúng ta khuyến khích các loại hình kinh doanh dịch vụ mới, có lợi cho người tiêu dùng nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Dấu hiệu cố tình phá giá, triệt hạ đối thủ, vi phạm Luật Cạnh tranh đã lộ diện, Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương phải sớm có kết luận để làm sáng tỏ, qua đó bình ổn thị trường dịch vụ vận tải vốn đã dậy sóng suốt mấy năm nay. Và, chính sách quản lý vận tải thời gian qua rõ ràng đã không theo kịp sự đổi mới của công nghệ dịch vụ, cho nên thà chậm còn hơn không, phải sớm có hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp để điều chỉnh phân khúc này trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng.
Bình luận (0)