30 triệu đồng, con ruột thành trẻ bỏ rơi
Căn phòng vợ chồng H. thuê mỗi tháng 400.000 đồng, rộng khoảng 10 m2. Đập vào mắt tôi là tấm ảnh cưới treo trên tường. Trong ảnh, cô dâu có khuôn mặt đầy đặn, da trắng, đôi mắt sáng vương nét tinh nghịch trẻ thơ, đó là H. của tuổi 16. Còn H. bây giờ, dù mới sang tuổi 20 nhưng đôi má tóp vào, thân hình khẳng khiu. “Hồi đó không đủ tuổi nên tụi em không dám về quê đăng ký kết hôn. Ở riết đến giờ, dù đã 2 mặt con mà tụi em cũng chưa có mảnh giấy chứng minh là vợ chồng” - H. thổ lộ.
Tiếp khách nhưng S. - chồng H., khoảng 30 tuổi, quê Kiên Giang - phải mặc quần đùi, cởi phanh 2 nút áo và bật hết tốc độ của chiếc quạt máy cũ kỹ để chống nóng và làm loãng mùi nước tiểu trẻ con tràn ngập căn phòng. Chỉ bé gái chừng hơn 2 tuổi đang ôm trong lòng, S. ngập ngừng: “Đây là con gái đầu của vợ chồng em. Tụi em còn có một đứa con 10 tháng tuổi nữa, đã đi gửi”.
Biết S. thích nhậu, tôi mua vài lon bia vào phòng để khề khà trò chuyện. Uống hết lon thứ hai, S. mới tiết lộ: “Thực ra, đứa con thứ hai không phải gửi mà vợ chồng em cho người ta rồi, họ hứa đưa 30 triệu đồng. Hôm trước, tụi em giao con đã nhận 2 triệu đồng, họ nói khi nào làm xong giấy tờ nhận con nuôi sẽ đưa tiếp 28 triệu đồng. Người ta bảo xem con em như trẻ bị bỏ rơi mà họ nhặt được nên tụi em khỏi phải ký giấy tờ gì”.
Uống tiếp lon bia nữa, S. tỉnh bơ bàn chuyện sẽ mua chiếc xe máy loại gì sau thương vụ “cho” con. Trong khi đó, khuôn mặt H. nửa vui nửa buồn. Cô cho biết sau khi “cho” con được vài ngày, thấy nhớ quá, cô bảo chồng chở đến nhà người đó để len lén ngắm nhìn bé. “Em thấy hết hồn luôn! Người ta cho con em uống bình sữa mua tới cả triệu đồng” - H. nói như khoe. Bình sữa ấy, có nằm mơ thì vợ chồng H. cũng không dám mua cho con mình uống.
Tôi thắc mắc vì sao đến nông nỗi phải “cho” con, H. rầu rĩ: “Do lấy nhau quá sớm, tụi em chưa kịp tích góp gì để xây tổ ấm. Hiện nay, làm quần quật trong nhà máy, mỗi tháng em cũng chỉ kiếm được hơn 2 triệu đồng, trong khi anh ấy thì nay làm công nhân, mai đi phụ hồ, nhiều bữa thất nghiệp phải bám víu vào đồng lương của vợ”.
Nghe H. thổ lộ, tôi không khỏi chạnh lòng nhưng càng buồn hơn khi thấy S. vẫn vô tư: “Tối qua, em bắt được khoảng 30 con ốc ma. Tối nay, em đi soi kiếm thêm mớ nữa, mai anh nhớ ghé lại nhậu tiếp cho đã nghen”! Ở góc phòng chật chội, chiếc đầu đĩa Trung Quốc nóng hừng hực vì bộ phim chưởng S. coi từ sáng đến giờ. Trên chiếc giường nhỏ choán cả phòng trọ, H. co ro cố ru con ngủ...
Lấy nhầm “ác quỷ”
Giới công nhân ở Bình Dương đang chấn động vì vụ chồng đánh vợ, cha mẹ vợ rồi ném chết đứa con 18 ngày tuổi vừa xảy ra tại một xóm trọ công nhân gần KCN Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát. Người đã cưới nhầm “ác quỷ” để rồi gánh chịu bi kịch này là nữ công nhân Nguyễn Thanh Hiếu, 21 tuổi, quê An Giang.
Sau khi chôn cất đứa con của mình ở một nghĩa địa tại Bến Cát, ngày 18-9, Hiếu cùng cha mẹ thu dọn đồ đạc từ giã đời công nhân để về quê nghèo. Ai trong xóm trọ cũng mủi lòng khi nhìn Hiếu tay xách nách mang cùng cha mẹ từ biệt phố thợ với thân thể đầy thương tích. Hiếu bị xẻ đầu, mẹ cô bị rách trán, phỏng nước sôi ở bả vai còn cha cô tuột rách mảng da ở cổ.
“Về quê sẽ vất vả, làm công nhân kiếm được tiền cũng ham nhưng em không ở đây nữa. Chồng em bị công an bắt rồi nhưng cứ nhắm mắt là em lại thấy gã đứng kênh kênh trong phòng trọ, mặt mày như ác quỷ” - Hiếu sợ hãi.
Đêm 10-9, Lương Văn Trọng, chồng Hiếu, đòi chui vào mùng ngủ với vợ - mới sinh con - nhưng cha mẹ cô không cho. Bực tức, rạng sáng 11-9, khi cả nhà đang ngủ, bất ngờ Trọng lấy bình nước sôi đổ vào người cha vợ. Mẹ Hiếu choàng tỉnh, tới ngăn cản cũng bị Trọng tạt nước sôi, đánh rách trán. Sau đó, Hiếu bị Trọng dùng cây đánh bất tỉnh. Trong cơn điên loạn, Trọng túm đứa con vừa lọt lòng lên ném vào tường khiến bé tắt thở tại chỗ…
“Em lên Bình Dương làm công nhân rồi gặp Trọng, cũng là công nhân. Chỉ sau một tháng quen biết, tụi em đã lấy nhau. Hồi đó em cũng so đo tính toán nhưng thấy Trọng không rượu chè, hút xách…, em nghĩ không lấy người như vậy thì lấy ai?” - Hiếu phân trần lý do chọn Trọng khi cô còn quá trẻ. Thế nhưng, càng sống với Trọng, Hiếu càng khiếp đảm “con quỷ dâm dục” luôn ẩn dật trong người chồng. “Ngày nào Trọng cũng tới cổng công ty đón em, vừa về tới nhà là vật em ra, hùng hục... Ngay cả lúc em có thai, ngày nào gã cùng bắt làm chuyện đó, bất chấp em khóc lóc van xin. Nhiều hôm chủ nhật, hai đứa được nghỉ, Trọng cưỡng ép em quan hệ đến 3 lần mà không đếm xỉa gì tới cái thai” - Hiếu căm phẫn.
Mẹ Hiếu, bà Huỳnh Thị Liên, uất ức: “Tôi ngủ ở giường ngoài, nhiều khi nửa đêm, nó mò lên giường ôm tôi đòi quan hệ. Nó còn dám bảo là thương tôi! Thằng này quái gở không chịu nổi”.
Tràn ngập “lời ru buồn”
“Con em 2 tuổi rưỡi rồi, mỗi khi tập hát hay mở băng đĩa thiếu nhi cho bé xem, em luôn tránh những bài như Bố là tất cả. Em sợ bé lại hỏi cha mình đâu” - N.H.T, 19 tuổi, sống trong xóm trọ gần KCN Đại Đăng, TP Thủ Dầu Một, thẹn thùng. Khu trọ của T. có hơn 10 phòng trọ thì 3 phòng đã có nữ công nhân bị chồng bỏ, phải nuôi con một mình.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Giám đốc Chi nhánh Bình Dương của Marie Stopes International (MSI) - một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình - lo ngại: “Sống trong các khu nhà trọ, công nhân thấy phòng bên cạnh có đôi có cặp thì phòng này cũng muốn có cặp có đôi để khỏi cô đơn. Tâm lý ấy đang lây lan trong công nhân. Có anh công nhân hôm nay ở với cô này, mai sống với cô kia, mốt lại ăn nằm với cô khác nữa”.
Theo bà Lệ, phòng khám phụ sản của MSI Bình Dương nằm gần các KCN Sóng Thần, Đồng An… mỗi tháng tiếp nhận cả trăm nữ công nhân đến tính nạo phá thai. Trong đó, nhiều cô mới 16 tuổi, được nhận vào nhà máy nhờ khai gian tuổi.
Bà Lệ cho rằng lấy nhau vội, trong khi kinh tế không ổn định, tuổi đời chưa đủ chín chắn, học vấn thấp, lại sống xa gia đình là nguyên nhân khiến nhiều tổ ấm công nhân rơi vào cảnh chia lìa, tan vỡ. “Nhiều nữ công nhân mang thai đến tháng thứ 5 rồi mới phát hiện nên không thể bỏ con. Có cô không biết tránh thai nên lỡ sinh đến 3-4 con…” - bà Lệ băn khoăn.
Yêu chớp nhoáng, cưới vội vàng
“Theo cảm nhận riêng của tôi, một bộ phận nữ công nhân trẻ sợ ế chồng vì họ phải lao động trong những KCN với nhiều nhà máy có đến 80%-90% là nữ. Vì tranh thủ tìm bạn trai nên họ dễ có những cuộc tình chớp nhoáng rồi lấy nhau vội vàng” - bà Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận. Ông Huỳnh Ngô Tịnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TPHCM, cho biết: “Qua nhiều đợt khảo sát, chúng tôi nhận thấy ở nhiều khu vực nhà máy, xí nghiệp, công nhân đang bị mất cân bằng về giới, có nơi gần như toàn bộ là nữ. Chính điều này đã hạn chế khả năng tìm kiếm được bạn trai tốt của nữ công nhân”. Theo ông Tịnh, trung tâm đang thực hiện nhiều giải pháp để kéo giảm sự chênh lệch giới này, giúp nữ công nhân có cơ hội giao lưu, kết bạn với nam công nhân, như các sân chơi giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể thao ở KCN, nhà trọ, CLB. Trung tâm cũng đang tổ chức những tour du lịch với sự tham gia của công nhân các nhà máy khác nhau. Hy vọng từ những cơ hội này, những tổ ấm đích thực cho công nhân sẽ ra đời. |
Bình luận (0)