Đầu năm 2007, người dân sống trong vùng thấp, bị lũ lụt ở thôn Nam Mỹ đã được sự hỗ trợ của Nhà nước để di dời đến khu tái định cư. Tuy nhiên, sau khi sống ở khu này một thời gian, nhiều hộ đã trở về chỗ cũ.
Ông Trần Thanh Hùng, trưởng thôn Nam Mỹ, cho biết khu tái định cư này được xây dựng năm 2007 dành cho những hộ dân sống ven sông Cu Đê thường xuyên chịu cảnh ngập lụt và sạt lở trong mùa mưa. Năm 2007, mỗi hộ dân di dời được hỗ trợ 12 triệu đồng, năm 2009 số tiền hỗ trợ tăng lên thành 21 triệu đồng. Trên khu tái định cư này có 62 ngôi nhà dân được xây dựng nhưng hiện tại có 29 nhà ở trong tình trạng không thường xuyên sử dụng, mặc dù hệ thống điện, trường mẫu giáo được xây dựng tương đối khang trang và đầy đủ.
Ông Nguyễn Thái Sơn, một người dân được tái định cư ở nơi này, cho biết gia đình ông được cấp hỗ trợ 400 m2 đất và 12 triệu đồng để xây nhà. “Sau khi xây nhà thì còn dư lại một mảnh vườn, gia đình tôi định trồng rau cải thiện bữa ăn nhưng đất vườn cằn cỗi, rau không mọc nổi” - ông Sơn rầu rĩ. Nhiều hộ dân thấy tình cảnh như thế nên đành quay về chỗ cũ để sinh sống, đến mùa bão lũ lại trở lên trú ngụ. Có nhiều gia đình đóng cửa đi luôn không quay trở lại.
Khu tái định cư Nam Mỹ sử dụng nguồn nước từ suối Dốc Ớt. Vào mùa khô hạn, nguồn nước cạn kiệt. Người dân phải xuống tận trung tâm xã Hòa Bắc cách đó hơn 1 km để gánh nước về dùng.
Bà Nguyễn Thị Kim Quý cho biết: “Nước uống còn không đủ nên muốn trồng rau, nuôi gà cũng chịu”. Nhiều người dân nơi đây cho biết gà nuôi thả vườn không sống được ở khu tái định cư này. Không trồng được rau, không nuôi được gà, người dân sống dựa vào nguồn thực phẩm do những người bán hàng rong chở từ TP Đà Nẵng lên. Cả khu tái định cư chỉ trông chờ vào 2 người bán hàng với rất ít thực phẩm mà chủ yếu là rau héo, cá ươn.
Mong được hỗ trợ việc làm Người dân ở khu tái định cư Nam Mỹ sống rất bấp bênh, chủ yếu dựa vào nghề bứt mây, đốn củi. Nguồn mây, củi cũng dần cạn nên thu nhập từ đó cũng teo tóp. Chị Hoàng Thị Thêm cho biết: “Lên khu tái định cư này, chúng tôi tránh được nỗi lo thiên tai nhưng lại gặp cảnh túng thiếu, nghèo đói. Mong muốn của chúng tôi là được hỗ trợ một việc làm phù hợp để định cư lâu dài”. Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết hiện xã đang hướng dẫn người dân Nam Mỹ nghề trồng nấm. Thế nhưng, với đầu ra không ổn định và thiếu nước triền miên, người dân lại không mấy thiết tha với nghề này. |
Bình luận (0)