Ngoài diện tích trồng rau an toàn ngoài bãi lấy nước tưới từ sông Hồng, hơn 70% diện tích trồng rau và nuôi trồng thuỷ sản ở huyện Thanh trì với tổng diện tích hơn 1.000ha thuộc các xã: Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Ngũ Hiệp, Đông Mỹ, Liên Ninh, Đại AÁng và một phần Tứ Hiệp, Tam Hiệp đều sử dụng nước tưới từ nguồn nước thải của thành phố qua các sông Tô Lịch, Hoà Bình, Kim Ngưu, kênh Đồng Trì... Ngoài ra, hệ thống kênh tưới, tiêu chủ yếu là kênh đất đã lâu không được nạo vét, thiếu nhiều công trình điều tiết cần thiết trên kênh. Nguồn nước tưới không chủ động, phải phụ thuộc nhiều về quy trình vận hành hồ điều hoà trạm bơm tiêu Yên Sở, cống tiêu xã Thanh Liệt. Những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Trì hiện nay.
Qua nghiên cứu, Công ty khai thác các công trình thuỷ lợi huyện Thanh Trì đã đưa ra phương án lấy nguồn nước sạch từ hệ thống thuỷ lợi Hồng Vân để đưa nước sông Hồng vào các ruộng rau, diện tích nuôi thuỷ sản ở trong đồng. Dự án được chia thành hai khu vực: Tưới trực tiếp bằng hệ thống kênh đã có sẵn cho khu vực Đại AÁng, Liên Ninh, Ngọc Hồi bằng các tuyến kênh, mương của Hồng Vân, Đại AÁng... Nguồn nước từ đầu mối Hồng Vân sẽ dẫn vào trạm bơm Ngọc Hồi bơm dâng nước để tưới cho một nhánh thuộc các xã: Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hồi, Tam Hiệp. Một nhánh khác là tưới qua đường quốc lộ 1A và từ cửa sông Om dâng nước cho kênh Đông Trì - Đông Mỹ bằng giải pháp đặt một trạm bơm có công suất 3 máy với 3.000m3/giờ, xây dựng một số cống điều tiết tại cửa sông Om để tưới cho khu vực Đông Mỹ, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp.

Để thuận tiện khi nước sông Hồng về đến huyện Thanh Trì, dự án đã có phương án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh trong đó có mương Hồng Vân, tuyến sông Ke, tuyến sông Hoà Bình, một số vị trí cống trên tuyến kênh Đông Trì - Đông Mỹ và các tuyến kênh khác của hệ thống, tuyến kênh dẫn nước từ mương Hồng Vân vào trạm bơm Ngọc Hồi.

Theo Lao Động