Chiều 29-10, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm (PTN), bỏ PTN đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đa số ý kiến đại biểu (ĐB) đều cho rằng chỉ nên lấy PTN tập trung vào 49 chức danh chủ chốt.
Tránh dàn trải, hình thức
Theo dự thảo nghị quyết, lấy PTN là việc sẽ tiến hành thường xuyên, định kỳ hằng năm. Còn bỏ PTN tiến hành đối với những người không đạt tín nhiệm ở vòng lấy PTN. Ở QH, những người được lấy phiếu sẽ chia ra 2 nhóm: nhóm lấy phiếu trước toàn thể QH là những người giữ các chức vụ do QH bầu và phê chuẩn, tổng số gồm 49 người. Nhóm hai là các phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm các ủy ban, các ủy viên, tổng số 380 người. Ở HĐND, việc lấy PTN tiến hành theo hình thức tương tự.
Tại phiên thảo luận, hầu hết ý kiến ĐB QH đều đồng tình với việc lấy PTN hằng năm, bắt đầu vào năm thứ 2 của nhiệm kỳ QH và chỉ nên lấy PTN ở phạm vi hẹp là 49 chức danh chủ chốt do QH bầu và bổ sung thêm chức danh phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, các phó chủ nhiệm các ủy ban của QH và ủy viên thường trực các ủy ban (với tổng số trên 50 người), thay vì cả 380 chức danh vừa dàn trải, hình thức và tốn kém.
Đồng tình với việc lấy PTN đối với 49 chức danh do QH bầu, tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng nên phân ra 2 nhóm. Với những người có vị trí đặc biệt quan trọng như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH cần có quy trình riêng bởi đây là những cá nhân có cương vị, trách nhiệm cao hơn rất nhiều so với các bộ trưởng, các chủ nhiệm ủy ban.
Các ĐB Trần Thanh Hải, Huỳnh Minh Thiện, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Phước Lộc… (đoàn TPHCM) cùng nhiều ĐB khác đề nghị việc lấy PTN chỉ nên dừng ở 49 chức danh chủ chốt. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng lấy PTN ở “phạm vi gọn” mới đem lại hiệu quả. Còn theo ĐB Huỳnh Minh Thiện, việc lấy PTN, bỏ PTN là thay mặt cho nhân dân, cử tri để chọn người có tài, qua đó cũng góp phần chống lại tiêu cực, tham nhũng và thể hiện được trách nhiệm của cơ quan quyền lực.
Tín nhiệm thấp, bỏ phiếu bất tín nhiệm
ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị người được lấy PTN nếu kết quả trên 50% “không tín nhiệm” thì cho nghỉ, nếu quá 2/3 “tín nhiệm thấp” thì cũng đề nghị từ chức. Theo ông Nghĩa, có thể bỏ PTN đột xuất đối với trường hợp mắc quá nhiều sai phạm, sai phạm quá rõ ràng và không cần chờ đủ 20% ý kiến đề nghị…
ĐB Trần Thanh Hải đề nghị: Với PTN thấp (75%) thì chuyển ngay sang bước 2 là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trường hợp 2 năm liên tiếp có PTN thấp thì cũng chuyển ngay sang bước 2. “Việc lấy PTN để cử tri giám sát và quan trọng hơn là tạo ra sức ép cho những vị trí được lấy PTN hoàn thành tốt hơn nữa trách nhiệm được giao” - ông Hải nói.
Tán đồng, ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) góp ý: “Khi người được lấy PTN mà bị đánh giá là không có tín nhiệm hoặc không quá 50% hay 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì làm luôn quy trình miễn nhiệm”.
Bình luận (0)