xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lấy vỉa hè làm nhà

Bài và ảnh: Huỳnh Hằng

Không nhà, không tài sản, ban ngày lang thang khắp nẻo đường thành phố mưu sinh, tối ngủ vỉa hè, những phận người cơ cực vẫn luôn đầy nghị lực sống, chăm chỉ lao động

Vỉa hè góc đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần Công viên Tao Đàn, có một người đàn ông lớn tuổi chọn làm "nhà". Ông tên Sơn, 60 tuổi, trôi dạt từ miền Tây lên TP HCM được gần 3 năm.

img
Ông Châu (71 tuổi) ngủ trước mái hiên của một công ty trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1, TP HCM) đã hơn 10 năm

Gia tài nhẹ tênh

Ban ngày, ông Sơn đi tìm kiếm, nhặt nhạnh mẩu giấy vụn, chai nước từ thùng rác công cộng, bãi rác ven đường. Tối đến, ông quay về tắm giặt tại nhà vệ sinh công cộng ở Công viên Tao Đàn. Niềm vui duy nhất sau một ngày làm việc mệt nhọc của ông Sơn là được ngồi tâm sự với người bạn đồng cảnh ngộ, ông Thanh (58 tuổi), xuất thân là trẻ mồ côi, có hàng ngàn đêm ngủ ở bến xe, gầm cầu, công viên, vỉa hè. Họ chia nhau hộp cơm, ổ bánh mì hay bánh bao, uống cùng ca trà đá lấy từ bình nước từ thiện. Sau đó, mỗi người quay về vỉa hè quen thuộc của mình để ngủ.

Làm nghề bơm hơi, vá ép gần 20 năm ở khu vực Bến xe Chợ Lớn, một góc vỉa hè của ngã tư đường vừa là nơi làm việc vừa là chỗ ngủ hằng đêm của ông Tâm (74 tuổi). Trên nền vỉa hè rộng vài mét vuông, dụng cụ sửa xe chiếm gần hết diện tích, chỉ còn trống một khoảng nền nhỏ loang lổ dầu nhớt để ông ngả lưng. Ông Tâm sinh sống tại đó và kiêm luôn nhiệm vụ trông xe ba gác, đồ đạc giúp những người chở hàng đêm, bán hàng rong.

Cũng vì mưu sinh, bà Lệ (64 tuổi, quê Bình Phước) và bà Hương (42 tuổi, quê Đồng Nai) phải sống cảnh ngày đi lang thang, đêm ngủ vỉa hè. Tôi gặp họ lúc đang chuẩn bị chỗ ngủ tại một góc đường gần Bến xe Chợ Lớn. "Gia tài" của họ chỉ là mấy bộ quần áo cũ đựng trong túi ni-lông, chai nước uống và vài cái hộp, ly nhựa được mang theo trong lúc đi bán vé số cũng như khi ngủ. Những chiếc bao rách nhặt được dùng thay cho chiếu, chăn, túi quần áo làm gối ngủ.

Ông Châu (71 tuổi) ngủ trước mái hiên của một công ty trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) đã hơn 10 năm. "Gia tài" của ông là một chiếc xe đạp, một giường xếp, một ghế nhựa, một cái thau và vài bình nước. Mỗi buổi sáng, ông gói đồ đạc để dưới gốc cây, lấy 2 viên gạch đánh dấu rồi lên xe đạp đi nhặt ve chai... Chiều tối, khi công ty đã đóng cửa, ông Châu lấy "tài sản" ra khỏi gốc cây, sắp xếp trên vỉa hè. Giấy vụn chưa bán được, ông xếp gọn gàng, cột thành từng chồng, chiếc xe đạp được khóa vào chân giường. Vậy mà có lần cũng bị lấy mất. "Lúc mất xe, tôi buồn lắm. Không có xe để đi, lấy gì mà ăn? Cũng may giám đốc công ty ở đây cho chiếc xe khác. Bình thường cũng có nhiều người tốt giúp tôi, quán cà phê cho lấy nước xài miễn phí, dĩa cơm giá 25.000 đồng, họ chỉ lấy 15.000 đồng... " - ông Châu kể.

Ưu tư nặng trĩu

Mỗi mảnh đời lang thang là một hoàn cảnh. Có người từ khi lọt lòng đã là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa cho đến khi ở tuổi gần đất xa trời. Cũng có người có con cháu nhưng quá nghèo, họ không muốn trở thành gánh nặng thêm cho con hoặc vì muốn có tiền giúp con mà chấp nhận xa quê mưu sinh... Nhưng điểm chung ở họ là dù nghèo khó vẫn giữ mình trong sạch, sống lương thiện.

Bà Lệ rời quê lên thành phố vì không muốn làm phiền con. Trong một lần đi bán vé số, bà bị taxi tông phải. Thấy tài xế cũng nghèo, bà không đòi bồi thường. Bây giờ, vết thương đã lành nhưng thỉnh thoảng đau nhức khi trái gió trở trời. Bà mơ ước dành dụm được ít tiền về quê gần con, gần cháu. "Bất đắc dĩ mới phải ngủ lề đường, khổ lắm! Nhưng nếu thuê nhà trọ thì tốn tiền...Thôi ráng tiết kiệm, có ít vốn về quê. Sợ nhất là gió máy, bệnh tật, phải thủ sẵn chai dầu trong người. Vậy mà mấy bữa nay gặp mưa, bệnh hoài không hết, tiền thuốc còn nhiều hơn tiền ăn!" - bà Lệ nói.

Hằng đêm, ông Tâm vẫn luôn nghĩ về đứa con trai đang ở Huế. Khi vợ mất, tài sản không còn gì, ông đưa con vào Sài Gòn kiếm sống. Nhưng rồi, sợ đứa con mới lớn sống ở vỉa hè dễ nhiễm những thói xấu, ông quyết định gửi con về quê. "Mơ ước của tôi là cố gắng làm lụng, kiếm tiền để cưới vợ cho con. Nó cũng khổ. Mỗi lần nó gọi điện vào hỏi thăm, tôi vui lắm!" - ông Tâm chia sẻ.

Tâm sự với chúng tôi, ông Sơn nói đã quen với giấc ngủ ở vỉa hè, chỉ "sợ mùa mưa, nhiều khi đang ngủ phải bật dậy ngủ ngồi hoặc không ngủ được vì ướt và lạnh". Những lúc đó, ông lại mơ về một căn nhà, dù chật chội, ẩm thấp vẫn thật ấm cúng, bình yên...

Ngủ đêm an toàn ở Bến xe Miền Đông

Từ nhiều năm nay, cứ khoảng 21 giờ, khu vực cửa 1A của Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) rộng hơn 100 m2 lại được lau dọn, ghế được quây lại thành hàng rào. Nhân viên bảo vệ bắt đầu công việc ghi danh những người xin lưu trú qua đêm và cung cấp chiếu thuê 5.000 đồng/chiếc/đêm (những người có hoàn cảnh quá khó khăn sẽ được phát chiếu miễn phí). Hành khách chỉ cần xuất trình CMND, cung cấp thông tin về nghề nghiệp, địa chỉ... Mỗi đêm có 3 nhân viên bảo vệ trực tại khu vực này, thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở. Vào mùa thi đại học, cao đẳng, bến xe sắp xếp chỗ và phát chiếu ngủ miễn phí cho các tình nguyện viên "Tiếp sức mùa thi".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo