Trước hết, phải nhắc lại điều này: Nhiều người hay nhầm lẫn, kể cả các cơ quan có trách nhiệm, rằng đâm trâu không bao giờ là lễ hội mà chỉ là một thành tố của lễ hội (như mâm cỗ thì có thịt gà nhưng thịt gà không bao giờ là mâm cỗ). Cũng như vậy, chúng ta rất hay nhầm lẫn trong việc tổ chức các “lễ hội cồng chiêng”, trong khi đồng bào không hề có lễ hội này mà nó chỉ là một thành tố của lễ hội nào đó.
Nguyên thủy khác hơn nhiều
Động từ “đâm trâu” đối với mỗi dân tộc thiểu số có cách gọi riêng, tương đương như: hiến trâu, tế trâu, ăn trâu... và không phải người ăn mà là Yàng, thần linh ăn. Con trâu được hiến cho Yàng để Yàng phù hộ con người. Người dân cũng chưa bao giờ mang trâu ra giữa thanh thiên bạch nhật, ra trước hàng ngàn người để đâm.
Khi có việc biến thái ăn trâu thành lễ hội thì mới có việc “xây dựng kịch bản” để diễn ở chỗ đông người và trở thành một trò chơi rất ác, tàn nhẫn, chứ nguyên thủy khác hơn nhiều. Cụ thể, con trâu được chọn để hiến tế phải được nuôi rất kỹ. Trước hôm hiến, con trâu được cúng, gọi là khóc trâu. Những bó cỏ non và ngon được tuyển cho nó, rồi người ta “khóc trâu” với những lời lẽ rất nhân văn: “Trâu ơi, mày thay mặt chúng ta lên nói với Yàng rằng chúng ta cần điều này điều kia. Chúng ta rất biết ơn trâu, trâu đã thay mặt chúng ta làm việc trọng đại này, việc mà chúng ta không thể làm được. Cỏ non đây, trâu ăn đi. Nước suối trong đây, trâu uống đi...”.
Đại loại thế. Và khi làm thịt trâu, họ không bao giờ làm ban ngày mà thường là sáng sớm, khi trẻ con và phụ nữ không có mặt, chỉ có người già và thầy cúng cùng một ít thanh niên giúp việc.
Ghê quá!
Một bác sĩ rất yêu văn hóa Jrai đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu, cung cấp cho tôi thông tin thú vị rằng từ “Trum kơbâo” (Kơbâo là tiếng Jrai Nhơn Hòa, Kơbau là tiếng Jrai Ayun Pa - cùng nghĩa là con trâu) - lâu nay ta gọi là đâm trâu, tôi hay gọi ăn trâu - không thể dịch là ăn trâu mà phải là “tế trâu”. Tại sao không gọi là “Tlãu kơbâo” mà gọi là “Trum kơbâo” (“tlãu” nghĩa là đâm theo đúng nghĩa đen)? Đâm bằng dao (thong), đâm bằng giáo (tơbăk)... Tại sao không gọi “trum bơbuih” (đâm heo), “trum bê” (đâm dê), “trum mơnũ” (đâm gà)...? Như vậy, từ “trum” chỉ dành riêng cho trâu! Con trâu quan trọng đến mức con người dành riêng một từ để chỉ nghi thức trang trọng này.
Thực ra, dùng từ tế trâu hoặc hiến tế trâu có vẻ cũng chưa chính xác. Bởi lẽ, người ta dùng trâu tế Yàng, nếu dùng như thế thì lại thành ra tế con trâu ấy. Nhưng cách gọi đó gần với bản chất vấn đề hơn từ đâm trâu lâu nay ta hay dùng.
Nhân văn đến thế, tử tế đến thế, ý nghĩa đến thế, vậy mà chả biết tự khi nào, chúng ta đã biến nó thành “lễ hội” phục vụ khách du lịch, đem trâu ra giữa sân vận động, cột cứng vào cây nêu, chiêng trống ầm ĩ, cả đoàn thanh niên nhún nhảy rồi đâm, máu me nhoe nhoét. Chỉ riêng việc cả ngàn người vây quanh, chiêng trống như thế thì con trâu nào yếu bóng vía đã đủ “vỡ mật” mà chết rồi, chả cần đâm.
Vì thế, mới đây, khi tỉnh Lâm Đồng quyết định không tổ chức “nghi thức đâm trâu” trong các lễ hội truyền thống, dư luận đã bày tỏ sự đồng tình. Nếu tôi không nhầm thì chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng hiện nay từng là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh, là người hiểu văn hóa, không như nhiều người khác cũng làm văn hóa nhưng luôn áp đặt những điều xa lạ vào văn hóa bản địa, mà “đâm trâu” là ví dụ; lễ hội cồng chiêng, nhà rông văn hóa... cũng là những ví dụ nữa.
Hồi Festival Cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai cũng có một con trâu được chuẩn bị để “đâm” nhưng sau đó, một vị lãnh đạo thấy ghê quá nên không cho đâm nữa. Cuộc đâm công khai, đâm biểu diễn ấy không thành nhưng sau đó, đồng bào vẫn phải tổ chức làm thịt con trâu ở làng, đúng theo nghi thức cổ truyền, bởi đã hứa với Yàng rồi, không thất hứa được.
Đấy cũng là một nét văn hóa của người Tây Nguyên.
Hiện các nhà nghiên cứu văn hóa vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nên loại bỏ hay giữ lại nghi thức đâm trâu trong các lễ hội truyền thống. Có ý kiến cần giữ lại vì đây là nghi lễ độc đáo, góp phần làm nên bản sắc các dân tộc bản địa Tây Nguyên, cũng có ý kiến cho rằng cần loại bỏ vì việc này có tính man rợ trong xã hội hiện đại.
Không tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại
Đâm trâu là nghi thức quan trọng trong các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tại tỉnh Lâm Đồng, có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: S’ tiêng, Châu Mạ, K’ Ho, Cil, Lạch… Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung không tổ chức nghi thức đâm trâu trong các lễ hội truyền thống.
Qua đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức các lễ hội đã được cấp phép nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc trong dư luận xã hội; đồng thời điều chỉnh nội dung tổ chức cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Theo đồng bào người Mạ ở Lâm Đồng, lễ thức “Ăn trâu mừng 1.000 gùi lúa” (gọi Tăk Năng Nô Sa Pru) là nghi thức quan trọng trong các lễ hội truyền thống của đồng bào người Mạ nói riêng, các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên nói chung.
Th.Đình
Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng:
Không phù hợp với thực tế hiện nay
Không chỉ riêng UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản tạm dừng nghi thức đâm trâu trong lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa qua cũng đã có chủ trương dừng các nghi thức trong lễ hội có tính bạo lực và phản cảm (các dân tộc thiểu số phía Bắc có nghi lễ chém lợn, trong miền Nam và các tỉnh Tây Nguyên thì đâm trâu).
Trước văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng quán triệt thực hiện ngay trong năm 2017, sở chúng tôi đã có chủ trương triển khai đến các cấp, cơ sở 12 huyện, thành phố trong tỉnh, nhắc nhở các địa phương và người dân thực hiện theo định hướng của tỉnh. Hình thức thực hiện trên tinh thần vận động bà con là chính. Hằng năm, đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống, thay vì nghi thức đâm trâu, cúng trâu thì định hướng bà con cúng heo hay gà… nhằm tránh sự bạo lực, man rợ không phù hợp với thực tế hiện nay.
Ông Nguyễn Huy Cao - cán bộ nghiên cứu văn hóa dân gian thuộc Trung tâm Văn hóa Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng):
Nhận định, đánh giá thiếu toàn diện
Dừng nghi thức đâm trâu trong lễ hội truyền thống có phần hợp lý về pháp lý nhưng có thể chưa hợp tình và mang tính phiến diện; thể hiện quan điểm, nhận định đánh giá thiếu toàn diện, chính xác và không phù hợp với các nguyên tắc về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tộc người. Nếu nói đâm trâu thể hiện sự dã man là không đúng, bởi nghi lễ hiến sinh hầu như đa số bộ tộc dân tộc bản địa Tây Nguyên đều có. Con trâu đối với người Tây Nguyên không phải con vật thân thiết như đối với người Kinh mà chỉ để thả rông và giết thịt thì đem làm vật hiến tế cũng như người Kinh giết gà, heo để cúng.
Ngoài ra, cách thức hành xử con vật hiến sinh và dâng lễ vật như thế nào là tùy vào quan niệm về tín ngưỡng của mỗi tộc người, thể hiện tính sáng tạo và tôn nghiêm trong các lễ thức tính ngưỡng. Mặt khác, cách thức tiến hành việc đâm trâu của người Tây Nguyên thể hiện thái độ ứng xử mang tính nhân văn của con người đối với con vật hiến sinh bằng hành động chia của cho trâu trước khi về với Yàng, như: tắm rửa cho trâu, gối đầu trâu lên chiếc chiêng (linh vật quý nhất của người Tây Nguyên), đắp lên mình trâu tấm thổ cẩm đẹp nhất. Hơn tất cả là khóc thương khi con trâu ngã xuống, lời khóc kể công lao của trâu và thể hiện sự biết ơn của con người với con vật hiến sinh.
Già làng Điểu K’Lộc - xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng:
Mất bản sắc văn hóa tín ngưỡng tâm linh
Lễ hội truyền thống dân gian nói chung và của đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên nói riêng có 2 phần: lễ và hội. Trong đó, lễ là yếu tố quyết định phát sinh lễ hội, là điều kiện tồn tại lễ hội, không còn lễ nghĩa là không còn lễ hội.
Cho nên, cần cân nhắc kỹ việc nên hay không dừng lễ thức ăn trâu trong lễ hội truyền thống của người Tây Nguyên. Bởi lẽ, trong làn sóng du nhập, xâm thực của văn hóa tín ngưỡng tâm linh (nói chung) và tôn giáo (nói riêng), điều đó sẽ góp phần làm mất đi bản sắc văn hóa tín ngưỡng tâm linh của đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên.
Đ.Thi ghi
Bình luận (0)