Tai nạn hy hữu gây chết người tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào ngày 1-7 khiến nhiều người đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức lễ hội này nữa hay không.
Sai lệch ý nghĩa ban đầu
Bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) - cho biết lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được phục dựng từ 28 năm trước. Năm 2013, lễ hội này được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng vinh danh đây là lễ hội dân gian độc đáo nhất Việt Nam.
Ngay sau khi sự cố hy hữu gây chết người xảy ra vào ngày 1-7, UBND TP Hải Phòng có công văn yêu cầu tạm dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 nhưng UBND quận Đồ Sơn vẫn mong muốn được tiếp tục tổ chức lễ hội này. Quyết định có dừng lễ hội chọi trâu hay không thuộc thẩm quyền của TP Hải Phòng. Nếu quyết tâm tổ chức tiếp, Hải Phòng phải có cam kết, biện pháp cụ thể bảo đảm lành mạnh, an toàn cho người dân. Nếu không an toàn thì không nên tổ chức.
Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn ngày càng bị thương mại hóa Ảnh: TRỌNG ĐỨC
"Bộ tôn trọng ý kiến các nhà khoa học, cộng đồng nhưng với trách nhiệm là cơ quan chủ quản, cần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phù hợp, phải loại bỏ những nội dung phản cảm, bạo lực, dã man gây chết người" - bà Hương khẳng định.
GS Ngô Đức Thịnh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, cho rằng cần thận trọng trước khi quyết định cấm lễ hội chọi trâu. Đây là lễ hội có hàng trăm năm nay, mang giá trị nghi thức truyền thống cũng như giá trị tâm linh của người dân. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, lễ hội này đi chệch khỏi ý nghĩa ban đầu. Địa phương có xu hướng quảng bá chọi trâu mạnh hơn các nghi thức khác nên có nhiều biến tướng.
Mua suất cho trâu chọi
Ông H.G.B - một chủ trâu tại phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn - bày tỏ: "Lễ hội này là lễ hội truyền thống, là tinh thần của người dân miền biển Đồ Sơn. Trâu không có lỗi, lễ hội không có lỗi, lỗi tại việc tổ chức quá thương mại. Ngày xưa, các cụ tổ chức đơn thuần chứ không ăn thua như bây giờ" - ông B. nhận xét.
Theo lời chủ trâu này, người không có kinh nghiệm huấn luyện trâu cũng có thể tham gia. Thậm chí, trâu không đủ tiêu chuẩn cũng vẫn được chọi. Điển hình là trâu số 18 đã húc chết chủ ở phường Vạn Hương. "Trâu số 18 không thực hiện nghi lễ ở đình để trở thành "ông trâu" và có biểu hiện bất thường, hung hăng mà đáng ra phải bị loại nhưng không hiểu sao vẫn được vào sân thi đấu" - ông B. nói.
Ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, cho rằng chủ trâu cũng như UBND phường Vạn Hương không báo lại với ban tổ chức việc trâu số 18 có biểu hiện bất thường.
Nếu ban tổ chức biết việc này thì đã không có tai nạn xảy ra. Gia đình ông Hướng cũng thừa nhận rằng con trâu này không thuần và có biểu hiện hung dữ trước khi vào thi đấu.
Nhiều người dân cho rằng những năm qua, ngoài việc buông lỏng quản lý trong lễ hội chọi trâu, ban tổ chức cũng thu quá nhiều loại phí, thương mại hóa lễ hội. Một số chủ trâu chọi cho biết họ đã phải đóng rất nhiều loại phí vô lý để mua suất cho trâu chọi. Có những suất, chủ trâu phải đóng lên tới 120 triệu đồng.
Giải trình về vấn đề này, ông Hoàng Trung Hiếu khẳng định việc thu phí không nhiều như các chủ trâu nói.
Làm lệch lạc những giá trị truyền thống
Nghệ nhân huấn luyện trâu chọi Đinh Đình Phú (82 tuổi, ngụ phường Ngọc Xuyên), người từng hai lần có trâu vô địch, cho rằng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã ăn sâu vào tâm thức người dân. Tuy nhiên, cách tổ chức lễ hội của ban tổ chức những năm qua đã biến tướng, sai lệch với những giá trị truyền thống vốn có của lễ hội này.
"Trước kia khi mới khôi phục lễ hội, chúng tôi còn cho tiền chủ trâu để họ tổ chức làm lễ. Đến nay, khi có nhiều người tham gia thì ban tổ chức lại yêu cầu chủ trâu đóng tiền từ 25-60 triệu đồng/trâu" - ông Phú bức xúc.
Bình luận (0)