Sáng 13-10 (tháng 1 Chăm lịch), những nghi thức chính của lễ hội Ka Tê diễn ra ở tháp Pô Klong Garai, được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, ở phường Đô Vinh, thị xã Phan Rang. Đây là tháp thờ vua Pô Klong Garai (1151–1205), người được dân tộc Chăm suy tôn Thần Thủy lợi.
Một ngày trước khi diễn ra lễ hội, tại các đền tháp Pô Nưgar, tháp Pô Rômê... ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, hàng ngàn đồng bào dân tộc Chăm, Raglai đã tề tựu và cùng nhau đón rước y phục của Nữ thần Pô Nưgar – Thần mẹ thủy tổ của người Chăm, vị thần đã dạy con cháu trồng lúa, trồng bông, dệt vải và các phong tục cúng trong lễ hội được lưu giữ cho đến ngày nay.
Lễ hội Ka Tê của đồng bào Chăm Ninh Thuận năm nay thu hút hàng ngàn du khách trong nước, quốc tế và đông đảo đồng bào Chăm ở các huyện, tỉnh xa. Điều này cho thấy đời sống kinh tế, văn hóa các vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện đáng kể. Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng, mở rộng hệ thống thủy lợi bảo đảm việc cung cấp nguồn nước tưới cho bà con an tâm sản xuất, đồng thời khôi phục hàng trăm hecta đất bị hoang hóa vài chục năm để phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là công trình thủy lợi hồ chứa nước Tân Giang và hệ thống thủy lợi Sông Lu được đưa vào sử dụng đã mở ra một cơ hội mới cho kinh tế ở huyện Ninh Phước ngày càng phát triển.
Các nghệ nhân Chăm biểu diễn trống Ghi-năng |
Hằng năm, Ninh Thuận đón trên dưới 70.000 lượt khách trong và ngoài nước theo các tour du lịch đến tham quan và thưởng ngoạn cảnh vật nơi đây. Trong khung cảnh trang trọng của lễ hội, vị cả sư thay mặt đồng bào Chăm bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo cho đời sống đồng bào Chăm và các dân tộc anh em; khấu tạ các vị thần đã độ trì cho đất nước bình an, con cháu làm ăn khấm khá... Vài năm trở lại đây, những làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm đã thu hút đông đảo du khách và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Ở làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân thuộc huyện Ninh Phước, nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng trong lịch sử người Chăm đã được khôi phục và phát triển mạnh vào những năm cuối của thế kỷ 20. Làng gốm Bàu Trúc cũng được vực dậy với sản phẩm chất lượng cao do các nghệ nhân tâm huyết quay lại nghề. Hàng ngàn sản phẩm của họ đã theo chân du khách trong và ngoài nước khi đến Ninh Thuận, trong số này có khá nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ... Số thanh niên người Chăm học tại các trường đại học ngày càng tăng. Chẳng hạn ở xã Phước Thuận, làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước... số gia đình có đến ba, bốn người con học cao đẳng, đại học không còn là chuyện hiếm.
Thêm một lần nữa, lễ hội Ka Tê không còn là một lễ hội dân gian đón năm mới của riêng đồng bào Chăm Ninh Thuận mà là một dấu ấn văn hóa độc đáo, đi vào đời sống chung, góp phần làm phong phú vườn hoa trăm sắc của nền văn hóa đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Ka Tê là một lễ hội long trọng và đặc sắc nhất trong kho tàng văn hóa của người Chăm theo đạo Bà La Môn ở Ninh Thuận. Người Chăm xem lễ hội này là một tấm gương phản chiếu sinh hoạt cộng đồng, bởi trong thời khắc thiêng liêng của lễ hội, mọi người như cảm nhận được sự hội tụ tất cả những tinh hoa, giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hóa Chăm. Lễ hội Ka Tê trở thành ngày trọng đại để người Chăm tưởng nhớ về tổ tiên, các vị thần đã độ trì làm mưa thuận gió hòa hằng năm cho bà con sản xuất được mùa. |
Bình luận (0)