Vào những ngày trăng tròn tháng 10 âm lịch, mỗi khi nghe tiếng hò đệm “Hay dơ! dơ! hay dơ! môn…” vang lên là đồng bào Khmer Nam Bộ kéo đến lễ hội đua ghe ngo của dân tộc mình. Với họ, ghe ngo chỉ dùng để đua trong lễ hội, mà chủ yếu là lễ hội Ooc-om-bóc, sau đó được cất giữ như báu vật, không sử dụng vào việc khác.
“Ăn cơm độn khoai, đi coi đua ghe”
Câu hát bằng tiếng Khmer: “Hay dơ! dơ! hay dơ! môn! Si bai leai đom-lôn, tâu mơl um tuk/ Hay dơ! dơ! hay dơ! môn! Muôi căt, đăt muôi công co tâu mơl đe!” được một nhà sư người Khmer giải thích khá thú vị là: “Ăn cơm độn khoai, đi coi đua ghe/ Một cắc, cố một công lúa cũng đi coi đua ghe”. Nội dung câu hát tuy mộc mạc nhưng thể hiện tình yêu của người Khmer với lễ hội truyền thống của dân tộc. Dù cuộc sống có cơ cực đến đâu đi nữa, họ vẫn quyết tâm hướng về lễ hội.
Có nhiều truyền thuyết của người Khmer giải thích nguồn gốc lễ hội đua ghe ngo. Tuy nhiên, theo dân gian tương truyền, đua ghe ngo xuất phát từ đặc điểm mưu sinh của cộng đồng người Khmer ở vùng sông nước. Lúc đó, người Khmer thường dùng ghe độc mộc để làm phương tiện đi lại trên sông. Để chống lại thiên nhiên khắc nghiệt và thú dữ, trong những cuộc mưu sinh, họ thường tổ chức đi thành từng đoàn. Để hỗ trợ nhau, họ làm chiếc ghe thật dài, chở cùng lúc hàng chục người. Trên ghe có rất nhiều mái chèo để mọi người cùng sử dụng cho ghe đi nhanh và đỡ tốn sức. Chiếc ghe ngo lúc bấy giờ không chỉ là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết mà còn được dùng để làm nghi thức đưa nước từ ruộng đồng ra biển cả sau khi kết thúc một năm đồng áng.
Dân gian tương truyền rằng người Khmer lần đầu tiên tổ chức đua ghe ngo tại Pem Kon Thô, tức là Vàm Dù Tho ngày nay, ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Cứ sau mỗi năm, quy mô tổ chức cuộc đua ngày càng lớn, địa điểm được luân phiên sang địa phương khác nhau.
Ngày xưa, người ta làm ghe ngo bằng một thân cây sao lớn cỡ 2 người ôm. Thuở ấy, rừng châu thổ sông Mê Kông ngút ngàn gỗ quý song để tìm được một thân cây sao đủ lớn để làm ghe, người ta phải tổ chức một nhóm người vào rừng sâu tìm, bất chấp đối mặt với thú dữ. Khi chọn được cây ưng ý, phải làm lễ cúng thần giữ rừng gọi là Neak ta Prey ph’nôm, cầu mong được bình an rồi mới đốn cây. Phải dùng sức trâu hoặc voi kéo cây xuống sông, kết thành bè rồi thả theo dòng nước. Cây sao mang về phải kỳ công đục khoét thành chiếc thuyền độc mộc, sau này ghe được cải tiến nối thêm đầu và đuôi cong nên người Khmer gọi là “tuk ngô” (theo tiếng Khmer, “tuk” nghĩa là ghe, “ngô” nghĩa là cong). Sau này, do thói quen phát âm theo kiểu nửa Khmer nửa Việt nên người ta đọc trại thành ghe ngo.
Ghe ngo dài khoảng 27 m, không có mui với hình dáng như rắn thần Naga - linh vật của người Khmer. Ghe có sức chứa trên 48 tay chèo. Khoang rộng nhất ở giữa 1,2 m, thu nhỏ dần lên tới mũi ghe chỉ còn 40 cm, ra sau lái còn 45 cm. Mũi và lái ghe uốn cong như lá cây mây có hình đuôi chim én cách mặt nước gần 2 m. Thân ghe được trang trí các họa tiết, hoa văn sặc sỡ… Trước mũi ghe là hình ảnh con vật biểu tượng của ghe và tên chùa. Khi xây chùa, người ta chọn một con vật làm biểu tượng, sau đó con vật này cũng là biểu tượng của chiếc ghe ngo. Dọc thân ghe có 2 cây chịu lực, gọi là cần câu, được làm từ thân cây tràm, giúp cho ghe nhún nhảy và phóng nhanh, đồng thời giúp ghe không bị gãy đôi vì quá dài.
Ngày nay, do không còn cây sao lớn để làm ghe độc mộc nên ghe ngo được đóng bằng ván cây sao. Nhờ vậy, ghe ngày nay mỏng và nhẹ nên lướt nhanh hơn.
Bảo quản ghe ở chùa
Người Khmer coi ghe ngo là vật linh thiêng nên luôn được bảo quản tại chùa, được che chắn kỹ lưỡng. Nhà chứa ghe là nơi thiêng liêng, ngày xưa, phụ nữ không được đến gần. Giờ đây, điều này hầu như không còn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều phum sóc giữ lệ ông “chih-khbal” (người ngồi mũi) phải là người khá giả, có uy tín trong phum sóc. Được bình chọn, người ngồi mũi phải lo lễ cúng, nuôi đội bơi ăn, tập dượt, chi phí cho cuộc đua...
Sau người ngồi mũi là 24 cặp ngồi trên băng ghế. Cặp ngồi kế mũi gọi là S’ma tưm, phải có kỹ thuật bơi tốt nhất, làm chuẩn mực cho người phía sau. Kế tiếp là Kôn Chro va, gồm 6 người. Tiếp theo là Kô lich với 28 người quỳ bơi, khi ghe bơi gần đến đích, 28 người này nhất tề đứng lên, dùng hết sức chèo để ghe lao thẳng về đích. Tiếp đến là 8 người nhún bơi gọi là Sroong dôn. Sau cùng là 3 tay lái. Lái chính đứng sau cùng, 2 lái phụ đứng 2 bên trước lái chính.
Do ghe ngo dài, đầu và lái cong vút nên khi bơi, nếu động tác phối hợp không nhịp nhàng thì rất dễ bị mất thăng bằng, lật chìm. Vì thế, các tay chèo phải tập luyện cho thuần thục. Người được chọn phải là trai tráng khỏe mạnh, được tập dượt theo từng vị trí của mình. Trước hết là tập cầm chèo bơi nhịp nhàng trên cạn theo tiếng cồng của huấn luyện viên. Kế đó là tập bơi trên dàn gỗ dưới ao hay trên sông gần chùa nhằm luyện sức mạnh và bền cho cánh tay. Sau cùng mới tập bơi trên ghe thật.
Tóm lại, các tay chèo phải khổ luyện sao cho tất cả phải hợp thành một nhịp chèo, đưa ghe về đích.
Nữ thần bảo vệ ghe ngo
Từ ý niệm “vạn vật hữu linh”, người Khmer tin rằng ghe ngo cũng là vật thiêng liêng. Vì thế, nhất cử nhất động với ghe ngo, họ đều phải làm lễ cầu xin. Trong mỗi lễ đều có tiết lễ chi li. Khi hạ thủy ghe trước mỗi kỳ đua, với niềm tin kêu gọi thần linh đến trợ giúp đội thắng lợi, người ta tổ chức lễ cúng với sự có mặt của các tay chèo và người dân trong phum sóc. Các lễ vật được bày cúng trên chiếc chiếu rộng trước mũi ghe. Sau khi ông “chih-khbal” thắp nhang đèn, nhạc nổi lên tấu khúc mời gọi thần linh: Khmau ơi srây Khmau (Khmau ơi nàng Khmau)/ Neng môk pro-nhăp (Nàng hãy đến mau)/ Neng môk ôi chhăp (Nàng đến thật nhanh)/ Chuôi chea kom-lăng (Tiếp thêm sức mạnh)…
Người Khmer cho rằng bảo vệ ghe ngo là nữ thần Neng Khmau, cũng có nơi gọi nữ thần này là Neng Teo.
Kỳ tới: Kỳ công nuôi bò đua
Bình luận (0)