Trong dòng người đổ về chùa Hội Khánh (Bình Dương)...để cầu nguyện cho cha mẹ chiều 17-8, có một cô gái trẻ, tóc dài, nguyện cầu trước tượng Phật với khuôn mặt trầm tư. Trò chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động, chị giới thiệu là Hà Thị Hoa (19 tuổi, nhân viên một nhà hàng, ngụ xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Hoa (bìa phải) trong tà áo dài in hình hoa sen
Hoa tâm sự: “Lúc em vừa lọt lòng, cha em mất vì tai nạn giao thông. Hôm nay là lễ Vu Lan báo hiếu nên em tranh thủ tới chùa thắp hương, thả chim phóng sanh, nguyện cầu cho cha siêu thoát, an lạc”.
Tại chùa Hội Khánh, phóng viên còn gặp gia đình “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Thanh Hiếu cũng đi chùa cầu siêu cho mẹ. Anh Hiếu ngậm ngùi kể mẹ anh bị bệnh, mất cách đây 2 năm.
"Hiệp sĩ" Hiếu cùng vợ cầu nguyện cho người mẹ đã ra đi vì bệnh tật
"Hiệp sĩ" Hiếu tâm sự: “Mẹ mất rồi mình có cúng mâm cao cỗ đầy để báo hiếu thì mẹ cũng đâu hưởng được. Một nhà sư giảng giải cho tôi rằng cái mẹ hưởng và nhìn thấy chính là lòng thành, lòng thiện của con. Nếu mình làm việc thiện giúp ích cho đời thì mẹ mình sẽ siêu thoát, hưởng lạc, giáng sanh”. Có lẽ vì vậy mà gần 1 năm qua, ngoài bắt trộm cướp, anh Hiếu còn phát bánh mì, bánh bao miễn phí cho người nghèo. Mỗi ngày xe bánh của anh đã giúp hàng chục trẻ em bán vé số, người già lượm ve chai có cái lót dạ buổi sáng trước khi lao vào cuộc mưu sinh.
Cho rằng mình là việc phúc đức thì mẹ sẽ ở "chốn xa" sẽ vui nên anh Hiếu mở xe bánh từ thiện, phát bánh hàng sáng cho trẻ nghèo
Một nhà sư ở chùa Tây Tạng (Bình Dương) cho biết trong hàng vạn người đổ về chùa sáng 17-8, có nhiều có nhiều người cài bông hồng đỏ (tượng trưng cho việc mình còn cha lẫn mẹ), có người cài hoa hồng (mất 1 trong 2 đấng sinh thành), lại có cài hoa trắng (cha mẹ không còn). “Người may mắn có cha mẹ còn sống thì cầu cha mẹ bình an, sống đời với con. Người bất hạnh mất cha mẹ thì cầu cho đấng sinh thành siêu thoát. Sống có hiếu đạo, có đức là điều Phật răn dạy” – sư thầy nói.
Bình luận (0)