Những ngày đầu năm, từ TP Vinh, chúng tôi ngược theo Quốc lộ 7 lên huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Vượt qua hơn 250 km đường đèo dốc, chúng tôi có mặt tại thị trấn Mường Xén, trung tâm của huyện Kỳ Sơn. Sau một đêm nghỉ ngơi, 8 giờ, chúng tôi tiếp tục lên đường vào “cổng trời” Mường Lống.
Quê hương thứ hai
Đường dốc ngược, một bên vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm. Sương mù dày đặc 2-3 m không rõ mặt người, dù đã bật đèn nhưng xe chúng tôi vẫn phải chạy như bò để vượt qua những đoạn đường đèo dốc quanh co. Mất hơn 2 giờ, chúng tôi mới vượt được hơn 40 km đường để vào điểm Trường THCS Mường Lống.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ, cô giáo Nguyễn Thị Lập tâm sự: “Quê em ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử Trường ĐH Quy Nhơn, em xin về đây dạy. Ngày mới lên, em thực sự sốc khi thấy trường nằm lọt giữa núi rừng, không điện, không nước. Là con gái lại không biết tiếng Mông nên em thấy rất sợ. Nhờ có sự động viên của ban giám hiệu, đồng nghiệp nên em cố gắng bám trụ, bây giờ càng thấy yêu nghề và yêu bản làng nơi đây nhiều hơn. Dạy học ở “cổng trời” đã 10 năm, gắn bó với các học sinh và dân bản nên giờ em không muốn rời xa nơi này nữa”.
Ra trường, tình nguyện lên dạy chữ cho các em nhỏ người Mông, với nhiều thầy cô giáo, Mường Lống là quê hương thứ hai. “Học sinh ở đây cơm không đủ ăn, áo mặc không đủ ấm. Nhiều hôm trời rét căm căm, các em chỉ khoác trên mình chiếc áo mỏng đi bộ hàng chục cây số để đến trường học chữ. Thương các em nên dù khó khăn, vất vả, tôi vẫn gắn bó” - thầy Vũ Văn Phong, người đã có 15 năm dạy học ở Trường THCS Mường Lống, bộc bạch.
Lên với “cổng trời” Mường Lống, tiếp xúc với thầy cô và các em học sinh, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương của tình thầy trò nơi đây. “Ngày nào không được đến lớp, em buồn lắm. Chúng em được sống trong sự yêu thương, dạy bảo của các thầy cô” - em Lầu Y Rai, học sinh lớp 9, bày tỏ.
Tình yêu thương níu chân người
Xã Mường Lống nằm chơi vơi trên đỉnh núi sát với biên giới Việt - Lào. Do ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển nên nơi đây 4 mùa mây bao phủ. Đồng bào ở đây đều là người Mông, đời sống còn nhiều khó khăn.
Lên với Mường Lống, chấp nhận mọi thiếu thốn, khó khăn để dạy học không phải là việc dễ. Chỉ có tình yêu thương mới níu chân các thầy cô giáo trẻ với trẻ em nghèo, bản làng nơi đây. “Nhìn các em ngoan hiền, chăm chỉ vượt mọi khó khăn để được đến trường, nhiều lúc mình không cầm được nước mắt. Vẫn biết là sẽ khó khăn nhưng mình sẽ ở lại” - cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên dạy môn văn học của trường, thổ lộ.
Thầy giáo Bùi Anh Bắc, Hiệu phó Trường THCS Mường Lống, cho biết trường có 31 cán bộ, giáo viên và hầu hết từ dưới xuôi lên. “Điều kiện, đời sống ở đây rất khó khăn, vất vả, thầy cô giáo lên đây dạy học phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng vì lòng yêu nghề, mong muốn được truyền dạy kiến thức cho con em đồng bào người Mông nên ai cũng muốn ở lại gắn bó với trường, với lớp” - thầy Bắc cho biết.
Ông Lầu Bá Chò, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống, cho rằng sự hy sinh của các thầy cô là rất đáng trân trọng. “Cơ sở vật chất trường lớp, nơi ăn ở còn thiếu thốn, đời sống của các thầy cô giáo lên đây dạy học gặp rất nhiều khó khăn. Biết thầy cô chịu nhiều thiệt thòi, xã cũng muốn hỗ trợ nhưng không có kinh phí nên cũng đành chịu” - ông trăn trở.
Khát khao học để thành tài
Sống trong khó khăn, nghèo khó nên trẻ em ở xã Mường Lống luôn khát khao học chữ, ước mơ có nghề nghiệp ổn định. Em Vừ Bá Tu, học sinh lớp 9 Trường THCS Mường Lống, quyết tâm: “Khổ mấy em cũng chịu được. Em muốn học tiếp để sau này vào ĐH”.
Dù điều kiện kinh tế khó khăn, những năm gần đây, ngày càng có nhiều học sinh người Mông ở “cổng trời” thi đậu và theo học các trường trung cấp, cao đẳng, ĐH. Nhiều người đã ra trường, trở về địa phương để phục vụ.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!