“Ôi Raglai, những rừng cây, ngọn núi mang tiếng đàn chapi/Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn chapi”. Những ca từ mượt mà, trữ tình nhưng mang âm hưởng đồng vọng núi rừng trong bài hát Giấc mơ chapi của nhạc sĩ Trần Tiến thôi thúc tôi tìm về vùng đại ngàn Ma Nới thuộc huyện Ninh Sơn - Ninh Thuận. Nơi ấy, chỉ còn một nghệ nhân “chân đất” cố giữ lửa cho hồn xưa của người Raglai mãi sống. Ông là Chamaléa Âu.
Tiếng lòng thúc giục
Nghe tôi giới thiệu từ miền xuôi lên thăm, ông Chamaléa Âu đon đả pha trà mời. Tấm lòng của người Raglai luôn rộng mở như vậy. Mùa Xuân 2013 này, lão nghệ nhân Chamaléa Âu đã sống qua 60 mùa rẫy nhưng trông còn tráng kiện lắm, vẫn nhanh như con nai, con sóc giữa rừng già.
Ông kể hồi trạc 10-12 tuổi đã được người cậu ruột dạy đánh đàn chapi và ngồi say mê hàng giờ xem cậu chế tác đàn. Khi xấp xỉ đôi mươi, Chamaléa Âu giác ngộ cách mạng, tham gia bộ đội Cụ Hồ, đánh giặc bảo vệ bản làng ngay tại chiến khu Anh Dũng (Ninh Thuận). Tiếng đàn chapi đã theo ông suốt thời gian kháng chiến. Đất nước thanh bình, ông trở về quê nhà Ma Nới, ngày ngày cùng vợ con lên rẫy trồng khoai, tỉa bắp. Những đêm trăng sáng, nghe con mang, con nai tác vọng núi rừng, ông bỗng da diết nhớ những thanh bậc của đàn chapi. Tiếng lòng thúc giục, ông lặng lẽ vào rừng tìm những cây tre gai già đưa về phơi thật khô, để dành làm đàn chapi.
Chúng tôi tò mò tìm hiểu kỹ thuật chế tác đàn, lão nghệ nhân Chamaléa Âu tỏ vẻ rất vui, giảng giải rành rọt: Vật liệu duy nhất để làm đàn là tre nhưng phải là tre đẹp, không có sẹo, đặc biệt đường kính phải đạt khoảng 7-8 cm và mỗi lóng tre dài ít nhất 40 cm. Tre sau khi chặt về phải để trong bóng râm khoảng 2 tháng cho thật khô, chọn 2 lóng tre tốt nhất làm đàn. Nghệ nhân dùng dao thật bén, nhọn, khoét cật tre bật lên thành 8 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2 cm. Đặt chốt tre nhỏ ở 2 đầu dây để chúng cao hơn thân đàn. Sau đó, vót mảnh tre cật bằng ngón tay cái khoét rãnh, nối từng cặp dây lại với nhau. Ở 2 đầu thân đàn dùng dây mấu bện chặt để giữ căng dây đàn. Công đoạn cuối cùng là dùng dùi lửa khoét thủng 2 mắt tre tạo âm vang cho đàn.
Gửi gắm chân tình
Cao hứng khi trò chuyện với chúng tôi, lão nghệ nhân Chamaléa Âu mang đàn ra gảy. Bàn tay sần sùi, chai cứng lướt khoan thai trên 4 phím đàn tạo những âm thanh trầm bổng say lòng, ngỡ như tiếng tự tình của đôi lứa yêu nhau, như tiếng thác đổ mưa nguồn, như tiếng loài chim Chơ rao reo vang giữa núi đồi và như lời mời chào thân mật của người dân Raglai trong ngày lễ ăn đầu lúa hằng năm.
Bà con Raglai ở xã Ma Nới bảo nghệ nhân Chamaléa Âu biểu diễn thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống như mã la, khèn bầu, tù và nhưng với đàn chapi, ông là người duy nhất còn lại của vùng rừng núi Ninh Sơn này. Tiếng đàn chapi của Chamaléa Âu như gửi gắm chân tình, như tiếng lòng của đồng bào Raglai Ninh Thuận một lòng theo Đảng, theo Bác.
Chamaléa Âu đã từng mang đàn chapi ra tận Hà Nội biểu diễn chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ I, vào tháng 5-2010. Tiếp đó, Xuân Tân Mão 2011, ông lại được Bảo tàng Dân tộc Việt Nam mời ra Hà Nội tham gia hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian. |
Bình luận (0)