Tại buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về sự việc xảy ra với chuyến bay VN162 hành trình Đà Nẵng - Hà Nội sáng nay 8-1, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam, cho biết chuyến bay cất cánh vào lúc 9 giờ 57 phút và giờ hạ cánh thực tế là 10 giờ 24 phút, chậm 27 phút so với dự kiến.
Sau khi cất cánh khoảng 30 phút, khi đang ở độ cao 8.850 m, vị trí cách sân bay Nội Bài khoảng 300 km (khu vực Nghệ An) thì tổ bay thông báo có sự cố về lốp bên trái thuộc hệ thống càng của máy bay, yêu cầu trợ giúp tại mặt đất: Bay chờ tại tỉnh Hà Nam khoảng 15 phút bay (để tiêu hao nhiên liệu), xe cứu thương, xe chữa cháy và trợ giúp của thợ máy, trải bọt trên đường cất hạ cánh (để tránh cháy nổ).
Cơ quan không lưu điều hành chuyến bay (Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội) thực hiện các yêu cầu của tổ lái, thông báo các cơ quan không lưu liên quan, sở chỉ huy khẩn nguy tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) kích hoạt hệ thống khẩn nguy theo quy định.
Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, các kiểm soát viên không lưu Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội, Trung tâm kiểm soát Tiếp cận tại sân Nội Bài đã phối hợp nhịp nhàng, trợ giúp tổ lái tối đa, thực hiện quy trình xử lý tình huống bất thường. Khi xử lý tình huống, có 10 chiếc máy bay đang bay về sân bay Nội Bài nhưng việc điều tiết nhịp nhàng và không ảnh hưởng gì.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã bắt đầu triển khai công tác điều tra, kết quả sẽ thông báo sau. Tuy nhiên, ban đầu, có thể dự kiến 2 khả năng xảy ra sự cố: một là do vật ngoại lai gây ra vết rách khoảng 10 cm trên lốp; hai là do bản thân lốp. Do đó, cần có sự kiểm tra kỹ lưỡng. “Tôi khẳng định tình trạng lốp bị như trên xảy ra sau khi cất cánh. Máy móc của tàu bay không hề hỏng hóc gì” - ông Thanh nhấn mạnh.
Tuy vậy, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cũng cho biết thêm đã chỉ đạo Cảng Hàng không Đà Nẵng kiểm tra đường cất hạ cánh và sơ bộ chưa báo cáo hiện tượng bất thường.
Ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), cho biết đã tính phương án đối phó để vẫn có thể hạ cánh bình thường nếu xảy ra trường hợp 1 nổ lốp, có thể tác động lốp bên cạnh.
Theo đánh giá của ông Đinh Việt Thắng, việc xử lý được thuận lợi là vì cơ quan không lưu điều hành chuyến bay đã nhận định tình huống đúng và đưa ra giải pháp đúng với tình huống của máy bay. Việc xử lý thông tin và thông báo thông tin hết sức kịp thời, các phương án đều được kích hoạt như đã được duyệt. Mặt khác, có thể nói việc ứng xử kỹ năng cả kiểm soát không lưu và tổ lái rất bình tĩnh và chính xác. Mọi hoạt động hạ cánh đều chính xác, chứng tỏ tổ bay rất bình tĩnh.
Kiểm tra kỹ thuật sau khi máy bay mất áp suất lốp hạ cánh an toàn
“Hạ cánh máy bay trong trường hợp này được đánh giá là chuẩn vì bình thường sẽ bị tác động tâm lý, chứng tỏ, anh em đã trưởng thành rất nhiều đối với các tình huống bay khó” - ông Thắng nhận định.
Ông Thắng cho hay, trường hợp máy bay bị hỏng lốp đã từng xảy ra. Song trong trường hợp bộ càng có 2 lốp mất 1 lốp vẫn hạ cánh được bình thường. Các công ty sản xuất máy bay đã từng tính tới tình huống này.
Đáng chú ý, theo ông Thanh, 6 giờ sáng nay 8-1, đã chính thức chuyển đổi thành công giai đoạn 3 dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội và hỗ trợ kịp thời cho chuyến bay này. “Nếu có vấn đề gì ở đài chỉ huy không lưu Nội Bài thì tại tổng công ty sẽ điều hành trực tiếp. Ngoài ra, Cục hàng không đã thành lập Tổ điều tra để làm rõ nguyên nhân sự cố” - Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho hay.
Ông Đinh Việt Thắng bổ sung thêm với kinh nghiệm đưa giai đoạn 3 vào khai thác thì năng lực điều hành của Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội là 1 triệu chuyến bay/năm. Năm 2015 điều hành hơn 600 chuyến nhưng tổng công suất ở cả Hà Nội và TP HCM là hơn 2 triệu chuyến bay.
Bình luận (0)