xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lên giảng đường, mặc gì không quan trọng?

Hoàng Lan

Trong khi có ý kiến cho rằng ngành giáo dục cần quy định cụ thể về trang phục giảng viên đại học khi lên giảng đường thì nhiều ý kiến khẳng định không nên vì sẽ bó buộc

Từ trước đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định cụ thể nào về trang phục giảng viên trong các trường ĐH mà chỉ có Quyết định số 16 về đạo đức nhà giáo, tiêu chuẩn chức danh giảng viên, đạo đức nghề nghiệp; quy định dành cho giáo sư (GS), phó GS. Nhân vừa qua dư luận bàn cãi quanh việc GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, mặc quần soóc, áo phông rách lên giảng đường, nhiều ý kiến cho rằng không cần quy định về việc mặc như thế nào đối với giảng viên ĐH khi lên lớp giảng bài.

Không phản cảm là được

Hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại Hà Nội cho biết trường không có quy định cụ thể nào về trang phục của giảng viên, chỉ cần không phản cảm. Theo cô Lê Thu, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), không nên quy định quá chi tiết về trang phục của giảng viên vì sinh viên ở lứa tuổi trưởng thành không như học sinh phổ thông nên có đủ khả năng và bản lĩnh để đánh giá trang phục thế nào là phù hợp, thế nào là lố lăng. Hơn nữa, môi trường giáo dục ĐH nên “mở” cả nội dung và hình thức.

Nữ giáo viên dạy môn sinh học ở Hà Lan là Debby Heerkens từng gây ngạc nhiên cho nhiều học sinh tại Trường Groene Hart Rijnwoude khi bất ngờ cởi đồ giữa lớp học, để lộ các bộ phận cơ thể in trên những bộ đồ bằng áo nịt và quần bó mà cô tự thiết kế và mặc bên trong nhằm minh họa cho bài giảng về cơ thể người. Hình vẽ trùng khớp với vị trí của các bộ phận trên cơ thể cô Debby. Ban đầu, nhiều học sinh kinh ngạc khi chứng kiến cô Debby cởi đồ nhưng sau đó khen ngợi là sáng tạo.

Trước tình trạng sinh viên lười đọc giáo trình khiến nhiều giảng viên rất mệt mỏi, GS David Lydic của Trường CĐ Cộng đồng Austin (Mỹ) đã mặc áo thun có dòng chữ “câu trả lời đã có trong giáo trình” bên trong áo sơ mi và phanh áo ra khi nhận được câu hỏi thừa.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, phóng viên Báo Etsujin (Nhật Bản), chia sẻ giảng viên các trường ĐH nơi chị theo học ở Việt Nam rất mực thước khi lên lớp nhưng lúc sang Nhật thì rất khác. Cụ thể, giảng viên nữ lên giảng đường cũng có nhiều người diện váy rất ngắn hoặc xẻ cao, trang điểm đậm và sắc. Giảng viên nam có thầy buộc băng đô lên đầu, tóc bù xù, đi dép giống kiểu dép tông, quần rách te tua dài chưa đến gối. Nếu gặp ở ngoài, nhiều người tưởng đấy là những người theo đuổi phong cách hippy nhưng đó là những người tốt nghiệp tiến sĩ từ những trường hàng đầu thế giới, liên tục có các nghiên cứu đăng trên những tạp chí khoa học và giảng dạy cho sinh viên cực kỳ nhiệt tình.

Một tiết giảng của giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Một tiết giảng của giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Nhân cách quyết định

Tại Trường Bocconi (Ý), nhiều giảng viên mặc quần bò thủng, áo phông rách xộc xệch hoặc như người mẫu lên sàn diễn. Đỗ Đức Trọng - nghiên cứu sinh của Trường ĐH Ohio (Mỹ) - cho biết giảng viên của trường ăn mặc tùy thích, miễn không phản cảm là được. Các thầy giáo đến trường có thể mặc quần soóc khi ở văn phòng, lúc lên lớp vẫn ăn mặc lịch sự. Một số thầy phong cách thanh niên thì mặc quần soóc đi giảng bài, không ai đánh giá gì. “Điều quan trọng là bài giảng có hay không, sinh viên có hứng thú không chứ không phải là việc ăn mặc” - anh Trọng nói.

Cô Lê Thu cũng cho rằng điều quan trọng nhất trong quá trình giáo dục ở bất cứ bậc học nào là nội dung và phương pháp dạy. Đối với bậc ĐH thì khả năng nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học của các giảng viên được đánh giá rất cao. Năng lực sư phạm, trình độ chuyên môn, nhân cách của người thầy sẽ là điểm quyết định đến “sản phẩm” của nền giáo dục. Đó là điều quan trọng nhất” - cô Lê Thu khẳng định.

TS Nguyễn Linh Giang, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, cho rằng không cần thiết phải có một quy định cứng về trang phục. Đó là tự do cá nhân, quan trọng là lịch sự và phù hợp hoàn cảnh là được.

Có thể khác biệt nhưng không dị biệt

Ở nước ta, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, người thầy bao giờ cũng được xã hội tôn vinh và kính trọng. Dạy học được coi là một trong những nghề cao quý nhất.

Bác Hồ từng nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Sự cống hiến của thầy giáo là rất thầm lặng nhưng nếu trở thành một người thầy giáo tốt là điều vô cùng hữu ích và rất mực vẻ vang. Vì thế, Người dạy: “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Hình tượng người thầy trên bục giảng là vô cùng quan trọng, hình mẫu cho học sinh noi theo. Đã qua lâu rồi cái thời mà chúng ta luôn đóng khung hình suy nghĩ người thầy giáo lúc nào cũng nghiêm nghị. Trong xã hội ngày nay, chúng ta dễ dàng tìm thấy nhiều người thầy, người cô đang rất nổi trong cộng đồng qua cách giảng dạy sáng tạo, trẻ trung cũng như nhìn nhận việc dạy học như cách trao đổi kiến thức lẫn nhau và gần gũi với học sinh chứ không còn một chiều nghiêm khắc như xưa. Sự trẻ hóa trong tuổi tác và tiếp xúc với xu hướng thời đại cũng là những chất xúc tác khiến họ thay đổi cách cải tạo hình ảnh bản thân.

Tuy nhiên, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì người thầy vẫn phải là một hình mẫu mô phạm xứng đáng với sự tôn kính của xã hôi. Để tạo ấn tượng cho bài giảng, thầy cô giáo có thể ăn mặc khác biệt, có thể rất khác biệt đến mức độc đáo nhưng không thể dị biệt, ngược với thuần phong mỹ tục theo truyền thống dân tộc.

TS Trương Tiến Hải (chuyên gia của Ngân hàng Thế giới)

ThS Hoàng Đức Bình, Trưởng đại diện Trường Swinburne (Úc) tại Việt Nam:

Nơi cần đứng đắn thì không thể xuề xòa!

Giảng viên ĐH là người đã làm chủ tri thức và đủ nhận thức như thế nào là phù hợp. Mọi sự ràng buộc để dẫn tới ép buộc là không nên trong môi trường sư phạm. Cá nhân tôi sẽ chọn một trang phục thích hợp cho buổi lên lớp của mình: có lúc thì veston nhưng nhiều lúc chỉ sơ mi. Tuy nhiên, tôi hiếm khi chọn áo thun và quần jeans nếu dạy trong giảng đường, đi thực hành thì có thể khác. Tôi thích sơ mi và quần kaki vì nó thuận tiện trong nhiều tình huống và sinh viên cũng thấy không quá xuề xòa hoặc đạo mạo.

Trong môi trường giảng dạy ĐH, điều quan trọng là phải chuyển tải được sự tự chủ trong nhận thức. Nếu quá khuôn mẫu và rập khuôn thì sẽ hạn chế sự tự do - thứ quý giá trong môi trường ĐH. Người thầy cần biết lúc nào sẽ sử dụng trang phục ra sao cho thích hợp. Nơi trang nghiêm thì cần nghiêm túc (như những buổi lễ), nơi cần an toàn thì phải tuân thủ nghiêm (như phòng thí nghiệm), nơi cần đứng đắn (như trong giảng đường) thì không xuề xòa và những nơi cần tự do thì không nên bó buộc. “Tinh thần” này cũng khá phổ biến trong môi trường ĐH quốc tế. Tùy bối cảnh mà giảng viên sẽ lựa chọn cho thích hợp. Tuy nhiên, là giảng viên tinh tế thì sẽ lựa chọn tối ưu trang phục cho từng tình huống; ngược lại, người thiếu tinh tế thì thậm chí sẽ sử dụng cùng một loại trang phục trong tất cả các bối cảnh. Môi trường giáo dục bên Úc, Singapre và Thái Lan, nơi tôi từng dạy và học, cũng đều như vậy.

TS Nguyễn Anh Ngọc, Trường ĐH Delaware (Mỹ):

Khó cho những đột phá mới

Các trường ĐH nước ngoài không hề quy định về trang phục giảng viên, miễn không nude là được. Việt Nam mình chưa quen nên thấy lạ. Cứ nhìn nhiều thành quen, rồi quen thành ra thực hành và thực hành nhiều thì ra phong tục. Cũng giống như khi ra sản phẩm mới, cứ dùng dần sẽ quen và thích thôi.

Cải cách giáo dục cần những thay đổi, đột phá. Nếu cứ ôm khư khư một tư duy cũ, ví dụ áp đặt về trang phục chẳng hạn, thì sẽ khó đi đến thành công. Tôi thấy ngay cả một bộ trang phục trong giờ học sáng tạo mà còn bị phản ứng dữ dội thì rất khó cho những đột phá mới.

Vũ Thu Hà, Trường ĐH Kennedy (Mỹ):

Giảng viên có là trẻ con đâu!

Ở trường nơi tôi làm việc không có quy định nào về trang phục nhưng các GS sẽ biết lúc nào mặc gì. GS của chúng tôi bình thường ăn mặc rất thoải mái nhưng đến trường thì cứ gọi là professional. Chuyện ăn mặc là do từng cá nhân, tính cách và sở thích của mỗi người. Các giảng viên có là trẻ con đâu mà cần quy định về trang phục cho họ.

L.Anh - S.Nhân ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo