Nhóm bạn đồng nghiệp từ một đài truyền hình xuất phát sau chúng tôi đã không may mắn khi hôm họ lên gần tới đỉnh Fansipan, trời cứ mưa tầm tã. Dù vậy, với quyết tâm thực hiện ký sự về “nóc nhà Đông Dương”, cả êkíp phóng viên, quay phim vẫn lên đường, chấp nhận thách thức từ núi cao, vực sâu, núi đá trơn trượt... “Chúng tôi không thể bỏ cuộc vì thời tiết. Ký sự này sẽ phát sóng vào dịp lễ 30-4 và 1-5 nên bằng mọi giá, chúng tôi phải lên đến đỉnh Fansipan” - họ quả quyết.
“Đỏng đảnh”, khó chiều
Không có động lực cụ thể như nhóm bạn đồng nghiệp nhưng với chúng tôi, chinh phục đỉnh Fansipan luôn là khát vọng từ khi biết đến ngọn núi nằm ở khu vực giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây Bắc này.
Kiểm lâm viên Nguyễn Bá Diện, phụ trách Trạm Kiểm lâm Núi Xẻ - một trong ba điểm xuất phát để leo lên đỉnh Fansipan, bảo chúng tôi: “Với những người chinh phục đỉnh Fansipan, tôi thường khuyên nếu đã quyết tâm thì phải bất chấp thời tiết. Các bạn cứ đi, bởi thời tiết ở đây thay đổi theo từng giờ trong ngày, không thể biết trước được”.
Vào một sáng sương mù đặc quánh, chúng tôi cùng một “thổ địa” người H’Mông, anh Thào A Phình, quyết chí lên đường. Phình cho biết thời tiết ở dãy Hoàng Liên Sơn theo kiểu “tiểu khí hậu”, một ngày có tới 4 mùa và cách nhau vài cây số có khi đã khác nhau. Sương mù dày đặc, ẩm ướt và se lạnh buổi sáng hôm chúng tôi xuất phát từ Núi Xẻ chính là “mùa Xuân” trong ngày.
Tác giả bài viết giương cao cờ Tổ quốc trên đỉnh Fansipan. Ảnh: THÀO A PHÌNH
Coi chừng phải thuê người… cõng xuống
Lên đỉnh Fansipan, người chinh phục có thể đi theo ba con đường từ Trạm Tôn (Trạm Kiểm lâm Núi Xẻ), bản Cát Cát và Sín Chải. Những “phượt tử” thường khuyên nhau: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” vì đã có nhiều người không biết phân phối sức đã phải bỏ cuộc giữa chừng.
Hầu hết mọi người lên Fansipan đều chinh phục được độ cao 2.200 m nhưng khi đến 2.800 m, chúng tôi chứng kiến một số người bỏ cuộc. Trần Kim Oanh, đến từ TPHCM, ngậm ngùi ở lại trạm nghỉ 2.800 m, trong khi đoàn của chị tiếp tục lên đường. “Tôi sẽ trở lại để chinh phục Fansipan vào lần sau. Có lẽ tôi cần phải rèn luyện thêm sức khỏe” - Oanh ấm ức.
Với những người leo núi nghiệp dư, cần ít nhất 2 ngày 1 đêm để chinh phục đỉnh Fansipan theo con đường dễ đi nhất. Thế nhưng, không ít người phải mất tới 3, thậm chí 4 ngày để hoàn tất hành trình. Có người leo được lên đến đỉnh nhưng khi xuống lại kiệt sức, buộc phải thuê người… cõng về. “Nhiều khách đã phải thuê người cõng từ đỉnh xuống với giá 2 triệu đồng/người. Có đoàn 5 vị phải thuê người cõng xuống mất 10 triệu đồng. Thế nên, không rèn luyện thì khó mà lên, xuống đỉnh Fansipan được” - chị Sáu, người bán hàng nước và có lán nghỉ chân ở Trạm Tôn, kể.
Dẫu hành trình chinh phục lắm gian nan nhưng Fansipan vẫn là đỉnh cao vẫy gọi những người có máu khám phá. Dãy Hoàng Liên Sơn với đỉnh Fansipan chính là phần rìa phía Đông Nam cuối cùng của nóc nhà thế giới Hymalaya. Với những người tự nhận là “phượt tử” có sẵn máu lang thang trong người, đỉnh Fansipan giống như một cột mốc không thể bỏ qua trong các hành trình chinh phục và khám phá dải đất hình chữ S.
Trong chuyến lên “nóc nhà Đông Dương”, chúng tôi tình cờ gặp hai cô gái người Singapore là Lee và Pace. Hai cô cho biết đã chinh phục nhiều đỉnh núi ở Malaysia, Indonesia và lần này, họ quyết tâm ghi thêm Fansipan vào “chiến tích” của mình. “Ở Singapore không có núi, chỉ có những ngọn đồi thoai thoải nên những người thích leo núi như chúng tôi phải ra nước ngoài để thỏa mãn thú vui chinh phục. Đỉnh Fansipan của các bạn quả thực là đẹp và kỳ vĩ” – Pace hồ hởi.
Khí hậu trên đỉnh Fansipan thật khắc nghiệt. “Gió thường xuyên cấp 6-7, về đêm có thể lên đến cấp 8-9. Mùa đông đun nước trên đỉnh không thể sôi, luộc trứng thì không thể chín và băng tuyết xuất hiện thường xuyên” – “thổ địa” Thào A Phình cho biết. Thế nhưng, cảnh sắc trên đỉnh Fansipan thì thuộc vào hàng độc nhất vô nhị.
Lên “nóc nhà Đông Dương”, chúng tôi gặp nhiều bạn trẻ mang theo cờ Tổ quốc hoặc mặc những chiếc áo đỏ in hình sao vàng trước ngực. Trên đỉnh cao của Tổ quốc, đất nước trở nên thiêng liêng và ai cũng muốn phất cao ngọn cờ như khẳng định niềm tự hào và tự tôn trong dòng máu Việt. “Khi lên đến Fansipan, ta bỗng thấy yêu thêm Tổ quốc mình. Đất nước mình quá đẹp, còn quá nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá hết” - nhiều bạn trẻ bộc bạch.
Đánh thức tiềm năng
Du khách nước ngoài đến Sapa - Lào Cai giờ đây đã xem Fansipan là một điểm hấp dẫn để khám phá. Loại hình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam chưa phát triển nhưng những địa danh như Fansipan đã trở thành lời mời gọi kỳ thú với các tay lãng tử thích phiêu lưu.
Dẫu vậy, để Fansipan trở nên gần gũi hơn với chính người Việt Nam thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Vài năm trước, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã tổ chức cuộc thi leo núi Fansipan quốc tế, đồng thời dự định sẽ phát triển thành một hoạt động thường niên. Tuy nhiên, cuộc thi này mới được tổ chức 3 lần thì nhà tài trợ rút lui nên không thể diễn ra nữa. Hôm chúng tôi lên đỉnh Fansipan, nơi đây đang vào mùa du lịch. Trước đó, vào dịp lễ Giỗ Tổ, có khoảng 1.000 người đăng ký chinh phục Fansipan.
“Chúng ta vẫn chưa khai phá hết tiềm năng du lịch của Fansipan. Dù hiện nay đã có khoảng 100 công ty lữ hành được phép tổ chức tour cho khách chinh phục Fansipan nhưng hình ảnh của ngọn núi này vẫn chưa đến gần với mọi người. Tôi thấy có khi khách nước ngoài biết về Fansipan nhiều hơn chính những người Việt chúng ta” - ông Ninh Anh Vũ băn khoăn.
Fansipan vẫn còn “ngủ” nên cần phải được đánh thức. Không ai khác, chính các bạn trẻ, những người mỗi lần lên “nóc nhà Đông Dương” thường mang theo cờ Tổ quốc, đã và đang làm Fansipan bừng tỉnh.
Thời khắc tuyệt vời Trên đỉnh Fansipan cao 3.143 m, hoàng hôn chính là thời khắc đẹp nhất, được chờ đợi nhiều nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ dũng khí và cả sự “điên rồ” để quyết chí ngắm bằng được hoàng hôn trên đỉnh cao của dãy Hoàng Liên Sơn này. Những người chinh phục thành công đỉnh Fansipan nếu có dịp ngắm bình minh ở đây đã là thỏa nguyện lắm rồi. Để ngắm bình minh trên đỉnh Fansipan, du khách chỉ phải thức dậy từ 4 giờ sáng sau một đêm ngủ ở độ cao 2.800 m rồi tiếp tục lên đường.
Trong khi đó, muốn chiêm ngưỡng mặt trời lặn trên đỉnh Fansipan, chúng tôi phải chấp nhận chuyến trở về độ cao 2.800 m trước 21 giờ với những hiểm nguy khó lường khi băng rừng trong đêm tối.
“Nếu về muộn hơn, các bạn có thể đối mặt nguy cơ lạc trong rừng, thậm chí gặp thú dữ” – anh Thào A Phình cảnh báo. |
Bình luận (0)