Tại tọa đàm “Liên kết để không lệ thuộc” do CLB Doanh nghiệp (DN) 2030 tổ chức ở TP HCM hôm 30-6, nhiều DN nhất quyết: Phải liên kết với nhau!
Từ khi Việt Nam tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)…, dệt may liên tục được nhắc đến trong chuyện giảm lệ thuộc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Quan điểm dệt may là ngành “lấy công làm lời”, thâm dụng lao động đã dần thay đổi.
Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết từ năm 1998, vấn đề xuất khẩu dệt may dựa vào gia công, nhập nguyên phụ liệu nước ngoài đã được đặt ra, nhiều DN nỗ lực chuyển đổi nhưng đến nay vẫn còn. Chẳng hạn, nếu DN dệt may làm gia công, 1 chiếc áo sơ mi đơn giá chỉ 1,5 USD nhưng nhận đơn hàng FOB (bán thành phẩm) giá sẽ là 6-6,5 USD, lên ODM (tự thiết kế, phát triển mẫu) giá đạt 10 USD và khi đơn hàng là OBM (tự nghiên cứu mẫu gắn với thương hiệu) thì giá lên tới 14-15 USD.
Phát triển lên mỗi bước cao hơn là con đường sống còn của DN và nhiều DN đang tiến tới liên kết với nhau trong chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm... Bởi lẽ, giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc bằng cách xây dựng vùng nguyên phụ liệu, chuyển sang các thị trường khác trong khu vực ASEAN, nội khối TPP cũng là cách DN sẽ tận dụng được lợi thế ưu đãi từ các FTA.
Từng có nhiều năm kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, ông Đỗ Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày dép Bita’s, cho biết Bita’s có hệ thống phân phối ở hơn một nửa trong số 32 tỉnh - thành lớn tại Trung Quốc. “Bí quyết bán được hàng trong công xưởng giày dép của thế giới là do Bita’s dùng cao su thiên nhiên cho các sản phẩm, được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng” - ông Long nói. Quan trọng hơn, khi đã bán hàng sang thị trường này thì DN sẽ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các thị trường khác để giảm bớt rủi ro. DN cũng không thể tập trung bán hàng tại Trung Quốc mà phải luôn chủ động phát triển cả thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu khác...
Do đó, để tự chủ trong sản xuất - kinh doanh, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trước hết cần sự liên kết chủ động của các DN trong nước. Các DN từng ngành cần phải minh bạch, sòng phẳng trong triển khai, bảo đảm công bằng cho các đối tác; có mục tiêu lâu dài, tầm nhìn xa trong cách tổ chức từ khâu sản xuất - phân phối và khách hàng.
Bình luận (0)