“Mô hình tổ, đội đánh bắt trên biển sẽ giúp ngư dân đánh bắt xa bờ, tiết kiệm được chi phí; đồng thời tạo mối đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của ngư dân trong việc tìm kiếm ngư trường khai thác, hỗ trợ vốn sản xuất và góp phần bảo đảm an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển”. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã khẳng định như vậy tại hội nghị phát triển mô hình tổ, đội sản xuất trên biển được tổ chức tại Bình Thuận hôm 24-6.
2.000 tổ, đội liên kết
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT, hiện nay kinh tế hợp tác trong khai thác thủy sản của bà con ngư dân dưới hình thức tổ, đội đang phát triển khá mạnh ở 28 tỉnh, thành ven biển. Hiện cả nước có khoảng 2.000 tổ, đội liên kết, với ít nhất 13.000 tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển xa bờ. Sự gắn kết này của ngư dân đã phát huy được sức mạnh tập thể trong hoạt động khai thác trên biển, góp phần bảo đảm an ninh – quốc phòng trong vùng lãnh hải của Tổ quốc; đồng thời hạn chế nhiều rủi ro, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Đưa cá ngừ đại dương vào bến tại Phú Yên. Ảnh: HỒNG ÁNH
Tại tỉnh Bình Thuận, nhiều ngư dân TP Phan Thiết đã cùng nhau lập các tổ đoàn kết. Trước đây, khi hoạt động riêng lẻ, mỗi chuyến biển của ngư dân thường chỉ một vài ngày thì khi lập tổ, các chuyến biển kéo dài hơn, từ 2 - 3 tuần. Hoạt động theo mô hình tổ đoàn kết này không chỉ giúp ngư dân tiết kiệm chi phí cho chuyến đi biển mà còn kịp thời hỗ trợ nhau, bảo vệ nhau khi hoạn nạn giữa biển khơi. Tại nhiều tỉnh, thành khác, các mô hình tổ, đội liên kết còn xây dựng được quy chế, quy ước, giúp ngư dân bám biển dài ngày hơn. Từ mô hình này đã góp phần làm tăng sản lượng khai thác lên 1,2 đến 1,5 lần.
Hỗ trợ nhiều hơn cho ngư dân
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hội Nghề cá Việt Nam, sự hợp tác của ngư dân có nơi vẫn còn manh mún; nhiều tổ, đội chưa tổ chức được tàu dịch vụ hậu cần để phục vụ cho hoạt động khai thác; nguồn kinh phí để đẩy mạnh công tác quản lý mô hình, phòng tránh thiên tai… vẫn thiếu. Con số 2.000 tổ, đội liên kết với 13.000 tàu thuyền mới chỉ chiếm tỉ lệ 1/10 trên cả nước. Để mở rộng mô hình, Hội Nghề cá đề nghị cần phải nhanh chóng tạo mối liên kết thực sự bền vững giữa Hội Nghề cá – ngư dân – lực lượng hải quân – doanh nghiệp.
Để khắc phục, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các tổ, đội có thể phân công khai thác và xây dựng dịch vụ hậu cần như tổ chức những tàu dịch vụ cung cấp nước, xăng, dầu, đá lạnh... cho ngư dân, đồng thời thu mua sản phẩm để bà con có thể tiết kiệm chi phí đi lại giữa bờ và ngoài khơi. Hiện Bộ NN-PTNT đang thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ ngư dân hoạt động xa bờ có hiệu quả hơn, như trang bị các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ, sử dụng các thiết bị liên lạc thông qua vệ tinh; tiếp tục đầu tư, nâng cấp các khu neo đậu cho tàu thuyền, hình thành một số cơ sở dịch vụ trên biển…
Hải quân cứu tàu cá gặp nạn
Nghị quyết Trung ương về Chiến lược biển đến năm 2020 nhấn mạnh phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước. Hiện nay, nghề đánh cá trên biển nuôi sống ít nhất khoảng 15 triệu người ở 28 tỉnh, thành ven biển. |
Bình luận (0)