Một hành khách đi trên máy bay của Vietnam Airlines (VNA) hôm 14-4 đã mở cửa thoát hiểm khiến chuyến bay bị chậm 1 giờ 25 phút so với hành trình dự kiến.
Thích là… mở!
Sự việc xảy ra trên chuyến bay VN 1615 của VNA từ Hà Nội đi TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Khi máy bay bắt đầu nổ máy, chuẩn bị rời bãi đậu để lăn ra đường băng thì hành khách Trần Văn Bình - 39 tuổi, quê Gia Lai - từ chỗ ngồi tiến về phía cửa máy bay với tay mở. Hành vi này đã khiến cơ trưởng phải dừng bay, lập biên bản và liên hệ với Trung tâm Điều hành khai thác của VNA tại sân bay Nội Bài bàn giao hành khách vi phạm cho cảng vụ sân bay xử lý.
Theo đánh giá của các hãng hàng không, việc khách tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay tính từ năm 2010 đến 2013, trung bình có hàng chục vụ xảy ra mỗi năm. Từ đầu năm 2014 đến nay, đây là vụ mở cửa thoát hiểm đầu tiên được ghi nhận.
Lý do và thành phần khách mở cửa thoát hiểm rất “phong phú”. Người già mở cửa thì đa số là để… đi vệ sinh vì tưởng đó là cửa toilet. Người trẻ mở cửa để… ngắm cảnh hoặc cho thoáng khí, đỡ cảm thấy nôn nao khi lên máy bay.
Cũng có không ít trường hợp khách tự ý mở cửa vì lòng tốt. Chẳng hạn, thấy một phụ nữ bế con quấy khóc ngằn ngặt đứng xếp hàng chờ xuống, một nam hành khách với tay mở cửa thoát hiểm ở giữa thân máy bay để người mẹ xuống cho nhanh.
Lần khác, một hành khách thấy người bên cạnh bảo “mở cửa này có khi xuống nhanh hơn” cũng chẳng ngại ngần làm theo. Nhiều trường hợp chỉ đơn giản là tò mò, thích thì mở.
Lý do mở cửa thoát hiểm thì nhiều nhưng các vụ việc đều có một điểm chung là khách rất thành khẩn nhận lỗi và trình bày hoàn cảnh khó khăn để được áp dụng mức phạt thấp nhất có thể. Một cán bộ thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho biết khi ký quyết định xử phạt hành chính với loại vi phạm này, ông thấy họ “rất tội”.
“10 vụ xảy ra thì đến 9 vụ khách không có tiền nộp, phải nhờ sự giúp đỡ của người nhà và cũng phải vay mượn ở quê mãi mới đủ. Đối với các trường hợp khách thiếu hiểu biết và thành khẩn nhận lỗi, tiền phạt thường được áp dụng ở mức thấp nhất có thể trong khung quy định là 10-20 triệu đồng” - vị cán bộ thanh tra cho biết.
Khoái mang đồ “độc”
Phòng An ninh Cục Hàng không Việt Nam cho biết các vụ việc mang vũ khí, công cụ hỗ trợ lên máy bay sai quy định gần đây lại có xu hướng tái diễn. Tính từ ngày 20-12-2013 đến cuối tháng 2-2014 đã xảy ra 22 vụ, cả trên chuyến bay nội địa lẫn quốc tế. Phổ biến nhất là các loại roi điện dạng đèn pin, các loại súng tự chế, dao…
Trên chuyến bay BL368 của hãng hàng không Jetstar Pacific từ TP HCM đi Nha Trang, hành khách Nguyễn Thanh Tuấn đã để 1 roi điện trong hành lý xách tay không có giấy phép sử dụng.
Trên chuyến bay UN526 của hãng Transaero từ TP HCM đi sân bay Domodedovo (Moscow - Nga), hành khách Popva Natalia đã mang 1 roi điện có hình dạng ĐTDĐ không giấy phép sử dụng...
Nhiều hành khách còn khoái mang súng tự chế có đạn thật hoặc không kèm đạn lên máy bay bằng cả hình thức hành lý ký gửi hoặc xách tay.
Rạng sáng 10-2, nhân viên soi chiếu an ninh sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện vị khách tên Ngân, quốc tịch Mỹ, trên chuyến bay NH932 của hãng hàng không All Nippon Airways (Nhật Bản) từ TP HCM đi Narita mang theo 1 viên đạn thật bằng kim loại, có hạt nổ.
Trên chuyến bay VN161 của VNA từ sân bay Charles De Gaulle - Pháp về TP HCM, một hành khách Pháp còn mang trót lọt khẩu súng dạng rulô cùng 2 hộp tiếp đạn chứa 12 viên, 1 cây thông nòng dài 15 cm.
Có nhóm hành khách còn “xé” lẻ súng, đạn hòng qua mắt đội ngũ soi chiếu an ninh. Chẳng hạn, trên chuyến bay 270 của VNA từ TP HCM đi Hà Nội, hành khách Nguyễn Việt Hùng mang theo 1 súng bút tự chế. Ông Hùng được yêu cầu đến làm việc với nhân viên an ninh, nộp lại khẩu súng. Khi kiểm tra một hành khách khác có cùng chung mã đặt chỗ với ông Hùng là Lãnh Minh Thái, tổ soi chiếu phát hiện ông này đem theo 3 viên đạn chì…
Tất cả trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản ghi nhận sự việc, tạm giữ đồ vật và được giải quyết tiếp tục đi chuyến bay.
Mỗi lần mở cửa mất 10.000 USD
Theo các chuyên gia hàng không, nếu đang ở trên không, cửa máy bay khó thể bật ra được do độ chênh áp suất lớn. Song, khi máy bay ở dưới mặt đất, nếu khách lấy sức ấn nút, quay tay đòn thì cửa sẽ bật mở, máng trượt bung ra, phồng lên thành chiếc cầu phao nối máy bay với mặt đất.
Khi đó, hãng hàng không phải bố trí máy bay khác thay thế để đưa chiếc bị bung phao sang Singapore cuộn lại cửa, chi phí khoảng 10.000 USD. Hành khách cũng bị chậm ít nhất hơn 1 giờ so với lịch trình để chuyển sang máy bay khác.
Bình luận (0)