xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Linh hồn của đá

Bài và ảnh: Nguyễn Quang

Sơn nguyên Đồng Văn mênh mông đá. Đá và trời quấn vào nhau. Trời sà xuống thung sâu, đá vươn mình lên đỉnh mây, đỉnh gió. Không ít chỗ tưởng chừng như mũ đá xuyên qua nóc trời, nút sâu vào mây gió như đỉnh Mã Pí Leèng - “đệ nhất hùng quan” vùng cực Bắc

Một lần, tôi theo ông Giàng Văn Quẩy - nguyên Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang - về quê ông ở xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ông tâm sự: “Trước đây, trên cao nguyên đá này, con người tồn tại và phát triển gần như chịu sự thanh lọc của tự nhiên. Họ sinh con ra, cô cậu nào không chịu đựng được thì chết yểu, còn ai thích nghi được thì lớn lên và phát triển mạnh mẽ”.

Trời sinh, trời dưỡng

Nghe tôi than rét, ông Quẩy kể lại chuyện ông lúc nhỏ: “Rét thế này chứ hơn nữa rồi cũng quen đi. Ngày nhỏ cởi truồng, mặc mỗi manh áo lanh, phanh cúc ngực, tôi cũng chẳng biết rét là gì”. Sau này, khi được xuống Trường Nội trú Dân tộc tỉnh Hà Giang học, qua mấy năm đã quen mặc ấm, đắp chăn bông, ăn cơm nóng, ông mới cảm nhận được cái rét nhiều hơn, khủng khiếp hơn.
img
Bữa ăn trưa của đồng bào Mông trên nương đá

“Chung quy cũng tại nơi xuất phát làm cho người ta sợ cái rét, cái nóng miền đá nhiều hơn. Nhưng cũng nhờ có những năm tháng ăn no, mặc ấm ấy mà tôi cũng thật lòng yêu cái rét, cái nóng trên miền đá” - ông thổ lộ.

Ông Quẩy chỉ những đứa cháu của ông chỉ mới 3-4 tuổi. Trời mưa rét đến cắt da cắt thịt mà bọn trẻ vẫn đầu trần chạy ra chơi trên bờ ruộng, bờ nương, mặc áo không cúc, chân không dép và mang một cái bụng đen nhẻm, tròn vo... Chơi chán ngoài mưa gió, chúng chạy về, đầu tóc ướt bết vào nhau, đứng lắc lắc mấy cái cho nước bắn ra tung tóe rồi sà vào cạnh bếp. Đúng là trời sinh, trời dưỡng, thanh lọc tự nhiên thật!

Tôi cõng cái rét trên lưng, bế cái rét trong tay. Cái rét luồn vào mũi, làm ù tai, làm bết những sợi tóc ngang trán, ngang má. Trèo mãi, trèo đến toát mồ hôi mà vẫn rét run cầm cập, chân tôi tê đi, đầu gối như khuỵu xuống nhưng cứ đứng lại là rét run đến nỗi 2 hàm răng rung lên va vào nhau mà không có cách gì “phanh” lại được.

Cứ tưởng trèo núi cho nóng người lên, đỡ rét nhưng không phải thế. Khi người ta mệt, mồ hôi ra nhiều, chỉ cần một cơn gió nhỏ thôi là đã cảm thấy như bị ai đó dội gáo nước lạnh lên đầu, chảy xuống toàn thân để rồi run lên trong rốn đá. Hai tay tôi buốt tới nỗi không sao nắm những ngón vào hay duỗi ra được, đành phải lấy tay này kéo bẻ, vò véo tay kia.

Khi tôi mải đứng nghĩ về cái rét, về mùa đông nơi đá, anh Vàng Mí Chơ - phó xóm Sà Phìn, huyện Đồng Văn - quay lại nói: “Mày cởi áo ra cho đỡ nặng thì mới trèo dốc khỏe. Tao có mặc nhiều áo như mày đâu, mà cũng có thấy rét như mày đâu?”. Hai đầu gối tôi cứ muốn cọ vào nhau, không biết nói sao cho anh hiểu cái rét của mình. Chơ đưa cái bình đông nhôm cho tôi, giục: “Mày nhấp một tí cho đỡ khát, cho cái bụng mày nó ấm lên, cái chân mày nó khỏe ra”.

Tưởng bở, tôi đỡ bình đông từ tay Chơ, làm một tí cay cay vào đầu lưỡi. Cha mẹ ơi, chưa đầy một phút, cái rét đến càng nhiều. Hai chân bước không nổi nhưng tôi không thể không đi, không thể không biết cái “mùa đông trong nhà Vàng Mí Chơ” nó như thế nào.

Chiếc nhiệt kế trên tay tôi chỉ 4 độ C, trời vẫn mù như đi trong mây, trong sương hay bay trên vòm trời đã được người Mông ở đây thu nhỏ lại. Ngẩng mặt, vắt mũi lên mà thở. Thỉnh thoảng, một cơn gió lại vống lên, mang đụn sương ném vào tôi, ném vào Chơ, ném vào những mái nhà và biết bao nhiêu vách núi.

Hai đứa trẻ khoảng 6-7 tuổi mặc chiếc quần lưng lửng, manh áo phanh bụng đang vật nhau huỳnh huỵch ngoài nương đá trước cửa. Thấy Chơ về, chúng vội đứng im nhìn nhau gượng cười. Chơ quát bằng tiếng Mông. Tôi không hiểu gì, chỉ thấy một đứa lại cầm chiếc cuốc chim mòn vẹt, đứa kia vớ chiếc xà beng ngắn cũn cỡn rồi cào cào, bẩy bẩy. Chắc 2 thứ dụng cụ nhà nông miền đá này ít nhất cũng qua tay mấy đời người...

Căn nhà của Chơ như chìm sâu vào miền đá. Tôi phải cúi hết cỡ để vào nơi mà anh bảo “nhà tao đấy”. Chơ kéo một cái đệm bằng bẹ ngô - cũng đen như đá và đất ở nền nhà - để tôi ngồi. Anh cười, nụ cười cứ nhẹ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Căn nhà 3 gian nhưng chỉ có 3 cái giường, 2 gian kia là 2 cái ổ làm bằng cây và bẹ quả ngô. Mấy chiếc chiếu, vài cái chăn bông rách te tua trong nhà cũng mang màu đá.

Thấy tôi ngắm nghía, Chơ cười khoe: “Tao sắp có nhà mới rồi, chương trình xóa nhà tạm gì đấy của nhà nước. Cái giường, cái phản cũng được cho đấy. Nằm trên phản lạnh lắm, tao mang ra đầu nhà che cho con heo rồi. Bây giờ con heo đi vắng, tối nó mới về cơ...”.

“Thế vợ anh đâu?” - tôi hỏi. “Nó đi lấy nước, cách đây cả 2 con dao quăng đấy. Nhà tao không có nước mời mày uống, chỉ có rượu thôi, mà rượu thì mày không uống rồi” - Chơ phàn nàn. “Nhà anh chẳng có ngô thì ăn gì?”. “Có đấy nhưng nhà nhỏ quá, tao để trên nương. Hết cái ăn lại đi lấy về. Để ở nhà, cái ngô giống mới nó mọt nhiều lắm”...

Rét, nóng miền đá

Tết năm 2004, tôi được đón giao thừa trên đỉnh núi Rồng, ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú. Năm ấy, Đài Truyền hình Việt Nam lấy Lũng Cú làm một điểm cầu nối với Trường Sa, Cần Thơ và nhiều thành phố khác trên cả nước. Thế là tôi được đi tháp tùng ông chủ tịch và trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.

Chiều 30 Tết, bữa cơm tất niên được tổ chức ngay sân trạm biên phòng. Thịt gà, thịt heo, chúng tôi đều phải xâu vào đũa, hơ lên bếp lửa, hơ lên chậu than mới ăn được, nếu không lạnh cứng răng. Xoong canh xương sôi sùng sục, thế mà vừa múc ra một lúc là trên mặt bát đông lại, trong khi dưới đáy vẫn bốc hơi nghi ngút.

Đêm giao thừa, Lũng Cú xuống âm 4 độ C. Chúng tôi huy động hết các loại quần áo có thể chống rét được. Mấy chục cán bộ dưới tỉnh lên đều phải chạy nhảy quanh đống lửa, hễ ngồi xuống là lạnh, là run, không tài nào chịu được. Ấy vậy mà đồng bào Mông, Lô Lô vẫn kéo đến hàng ngàn người đông đặc đầu cầu truyền hình.

Nhiều cháu bé vẫn áo không khuy phanh ngực, vẫn chiếc quần lửng. Người lớn ít ai có áo ấm, họa hằn lắm mới thấy vài người đội chiếc khăn len bịt chặt hai tai. Nhìn đồng bào, ngắm lại mình, chúng tôi ai cũng xót xa. Ông Giàng Văn Quẩy nhìn lũ trẻ rồi băn khoăn: “Thế hệ tương lai nơi rốn đá đấy. Chúng quen rồi, tồn tại tự nhiên mà...”.

Tôi lại tìm đến rốn đá Khau Vai, buổi sáng chạy xe vẫn buốt cóng 2 tay. Đêm qua, tôi còn phải sưởi lửa, còn kéo chiếc váy lanh của vợ chủ nhà “tăng cường” lên trùm kín đầu, thế mà sáng ra, mới đi được mấy cây số, cái nắng đã soi vào, cái nóng từ đá tỏa ra rát ràn rạt.

Đúng là mùa nóng trên miền đá đã về. Tôi lại như nghe tiếng Chơ giải thích về căn nhà thấp lè tè của anh: “Mình có được làm nhà theo tiêu chuẩn thì cũng làm thấp, chỉ muốn nó rộng hơn để có chỗ đặt cái bàn cho con cái học. Nhà thấp nép vào đá, tránh được những cơn gió mùa đông, tránh được cái nóng phừng phừng tức giận của mùa hè”.

Người nơi đá là thế. Họ bám đá, bám núi, bám rừng, đêm ngày địu đất, gùi nước dưới thung sâu lên hốc đá. Họ trồng cây ngô, cây bí. Họ là những “mắt đá” bảo vệ đường biên mốc giới. Người vùng đá thiếu nước, thiếu ngô, thiếu rau xanh, thiếu cả cỏ chăn nuôi gia súc, thiếu cây làm nhà, thiếu giường nằm, thiếu màn che muỗi... Con người nơi đây thiếu đủ thứ nhưng đâu thiếu những anh hùng, những tấm lòng của người lao động chẳng biết đã bao đời đằm sâu nơi rốn đá!

Vĩ đại, anh hùng

Trong một chuyến lên thăm cao nguyên đá Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Sức lao động của đồng bào vùng đá thật anh hùng! Chỉ cần làm nhà ở, giữ đất đá biên cương cũng đủ được phong anh hùng rồi, vậy mà đồng bào vẫn làm ra ngô, lúa và bao nhiêu nông sản khác, đóng góp không ít công của cho đất nước. Sức lao động đó thật sự là vĩ đại trong một vùng thiên nhiên đầy khắc nghiệt như treo vào vách đá này. Đồng bào trên cao nguyên đá đã biến vùng đá thành “vạn lý trường thành”, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc”.
img
Địu đất từ thung sâu lên rốn đá 
 

img

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo