Thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay ngày 26-5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Văn bản số 2307 báo cáo Bộ Công Thương về việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN.
TKV kêu khó
Theo đó, EVN đề xuất điều chỉnh lại số lượng than nhận của TKV từ 19,92 triệu tấn xuống 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so kế hoạch.
Công nhân Công ty CP Than Hà Lầm - Vinacomin làm việc trong hầm khai thác than Ảnh: VĂN DUẨN
Động thái trên, theo TKV, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này trong năm nay. Do đó, theo một lãnh đạo của TKV, tập đoàn này đang tính phương án thuyết phục ngành điện xem xét lại đề xuất giảm mua than của TKV để mua của đối tác bên ngoài.
Trong khi đó, EVN cho biết "nguồn cơn" của việc giảm mua 2 triệu tấn than từ TKV là bởi TKV đòi tăng giá than từ cuối năm 2016 đến nay vẫn chưa giải quyết được.
"Việc ngành than đòi tăng giá đến giờ vẫn chưa chính thức có văn bản nào thông báo đến chúng tôi mức tăng như thế nào, khi nào tăng. Việc này đã được trình lên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Theo đó, vì EVN kêu mức chi phí 4.700 tỉ đồng bị đội lên do giá than quá cao, EVN không kham nổi nhưng TKV thì kêu nếu không tăng giá, họ sẽ "chết" nên đã hiệp thương ở mức thấp hơn. Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính có hướng dẫn chi tiết hơn song đến nay chưa có phương án" - đại diện EVN cho biết.
Chính vì vậy, dù đã qua nửa năm, EVN và TKV vẫn chưa ký được hợp đồng năm 2017 và hoạt động mua bán vẫn theo kiểu "mua đến đâu trả tiền đến đấy". Các tập đoàn vẫn đang đợi Bộ Tài chính hướng dẫn giá than và phía TKV cũng vẫn phải xuất hóa đơn theo giá cũ.
"Cũng vì không chốt được giá và số lượng mua than của TKV nên gần đây, Chính phủ chỉ đạo EVN tìm bổ sung nguồn than mới ngoài 2 doanh nghiệp trong nước là TKV và Tổng Công ty Đông Bắc" - đại diện EVN lý giải.
Đại diện EVN cũng cho biết thực tế có nhiều loại than TKV không đáp ứng được về chất lượng. Do đó, việc mua thêm than từ nước ngoài là cần thiết để vận hành một số dự án. Chưa kể, có những chủng loại than giá nhập khẩu còn rẻ hơn mua trong nước.
Ngành than cần chấn chỉnh
Thực tế, TKV được cho là một trong số các doanh nghiệp khai khoáng thường xuyên "than" khó, nhất là khi việc khai thác ngày càng xuống sâu trong bối cảnh năng suất lao động còn hạn chế.
Cuối năm 2016, thực hiện nội dung Văn bản số 353 của Bộ Tài chính về việc kê khai giá bán than, TKV đã có quyết định ban hành giá than ở thị trường trong nước. Theo đó, giá than điều chỉnh tăng từ 3%-10,7% tùy chủng loại từ ngày 24-12-2016. Trước đó, ngay đầu tháng 11-2016, TKV có quyết định về việc điều chỉnh giá bán một số chủng loại than tại thị trường trong nước.
Mặc dù thực tế những khó khăn của ngành than là có nhưng giới chuyên gia cho rằng chính tỉ lệ cơ giới hóa của ngành này thấp đã dẫn đến chi phí, giá thành tăng cao.
"Tỉ lệ cơ giới hóa của ngành than chỉ khoảng 3%, vẫn còn đào thủ công ở nhiều công đoạn. Nếu ngành than không tự điều chỉnh, đầu tư hợp lý cho mình thì không thể hạ giá thành được, nền kinh tế khó chấp nhận đầu vào cao như thế" - một chuyên gia kinh tế cho hay.
Rất nguy hại
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá than bán cho điện tăng sẽ làm chi phí đầu vào của ngành điện khó khăn hơn. Trong bối cảnh thủy điện đã hết tiềm năng, các nguồn năng lượng tái tạo khác chưa khai thác được hiệu quả thì điều này sẽ rất nguy hại. Vị chuyên gia đồng tình với việc trong bối cảnh nhà nước sẽ hướng tới giá thị trường các loại mặt hàng thì việc tăng giá than là hợp lý song cần giải trình rõ nguyên nhân tăng giá cùng với kiểm toán cụ thể.
Bình luận (0)