Tuy nhiên, từ khoảng 20 giờ 30 phút ngày 21-2 (tức tối 14 tháng giêng), một người đàn ông đã khoe với phóng viên Báo Người Lao Động một tập ấn mới 12-13 cái vừa lấy được. Thấy chúng tôi nghi ngờ đây không phải là ấn thật, người này đã đưa cho phóng viên xem và quả quyết: “Ấn thật 100%, được một ông anh chức cao làm ở tỉnh lấy cho”. Theo quan sát của phóng viên, ấn có đầy đủ bùa hộ mệnh và dấu ấn đỏ tươi. Bùa hộ mệnh ghi rõ “Giờ tý ngày rằm tháng giêng năm Bính Thân”.
Trước đó, tại khu vực đền Trần, các dịch vụ ăn theo vẫn đua nhau “chặt chém” du khách. Giá giữ xe máy ban ngày dù quy định là 4.000 đồng/chiếc nhưng nhiều nơi vẫn thu 10.000 đồng; giá giữ ô tô từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc. Tuy vậy, nhiều điểm giữ xe đã chật kín, từ chối nhận xe. Giải thích về giá giữ xe máy thu không đúng quy định, một bảo vệ nói: “Chúng tôi thu cả tiền trông coi mũ bảo hiểm”!
Nhiều bãi trông giữ xe tự phát còn “chặt chém” dữ hơn. Giá giữ xe máy ở đây ở mức 20.000 - 25.000 đồng/chiếc ban ngày, 30.000 - 40.000 đồng/chiếc ban đêm; ô tô ban ngày 50.000 đồng/chiếc, ban đêm 150.000 - 200.000 đồng/chiếc.
Dịch vụ đổi tiền lẻ tuy không công khai như trước nhưng vẫn có người chào mời du khách. Nếu ai có nhu cầu sẽ được đáp ứng ngay với giá đổi 100.000 đồng lấy 70.000 - 80.000 đồng. Những người ăn xin xuất hiện ngày một nhiều. Dọc các tuyến đường vào các nhà đền, “cái bang” ngồi la liệt. Nhiều người rất khỏe mạnh nhưng vẫn ngồi ăn xin, vừa nhác thấy bóng công an liền bỏ chạy.
Trong khi đó, các nhà nghỉ, khách sạn ở TP Nam Định đua nhau tăng giá. Một số tuyến đường ở phường Lộc Vượng đã “cháy” nhà nghỉ, khách sạn. Những ngày bình thường, giá thuê nhà nghỉ, khách sạn ở đây chỉ 150.000 - 200.000 đồng/ngày (phòng đơn) và 250.000 - 300.000 đồng/ngày (phòng đôi). Tuy nhiên, đến trưa 21-2, giá phòng đơn đã tăng lên 500.000 - 700.000 đồng/ngày đêm, phòng i đôi 800.000 đồng - 1 triệu đồng.
Theo bà Phạm Thị Oanh, không có đơn vị nào đăng ký công khai niêm yết giá với ban tổ chức. Họ tự niêm yết giá ngay tại khách sạn, nhà nghỉ. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra việc này.
Lễ khai ấn đền Trần năm nay vẫn diễn ra với 3 nghi lễ truyền thống là khai ấn, rước kiệu Ngọc Lộ và rước nước tế cá. Để ngăn chặn tình trạng người dân xô đẩy, ùa vào cướp ấn, ban tổ chức đã huy động hơn 2.000 cảnh sát làm nhiệm vụ trong đêm khai ấn với 5 vòng bảo vệ và 23 chốt chặn.
“Năm trước xảy ra tình trạng “cướp lộc” lúc người của ban tổ chức đang thu dọn đồ lễ. Năm nay, khai ấn xong, chúng tôi sẽ cho thu dọn hết đồ lễ trên ban thờ, dùng loa thông báo, khuyên giải người dân không nên “cướp lộc” – bà Phạm Thị Oanh cho biết.
Bình luận (0)