Theo các chuyên gia y tế, tự chủ tài chính giúp bệnh viện (BV) mạnh dạn đầu tư, “thay da đổi thịt”, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có mối lo khi bệnh nhân vừa là thượng đế nhưng cũng là đối tượng để các BV tìm mọi cách kiếm lời.
Hoạt động như doanh nghiệp
Trước đây, đa số BV công lựa chọn phương thức xã hội hóa bằng cách kêu gọi tư nhân liên doanh, liên kết thì nay nhiều BV đã mạnh dạn dừng mô hình này để vay vốn ngân hàng tự đầu tư. Nhiều BV đã mạnh dạn vay hàng trăm tỉ đồng từ các tổ chức tín dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị.
Với vốn đầu tư gần 400 tỉ đồng (70% từ nguồn xã hội hóa), năm 2015, BV Việt Đức (Hà Nội) đã đưa vào sử dụng tòa nhà kỹ thuật cao 11 tầng với 360 giường bệnh và 22 phòng mổ hiện đại, trong đó có 2 phòng mổ tiêu chuẩn quốc tế là điều kiện tốt cho việc thực hiện thường quy các ca ghép thận, gan, phẫu thuật nội soi ngang tầm thế giới.
BV Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng Trung tâm Điều trị theo yêu cầu quy mô 300 giường bệnh, 6 phòng mổ. Theo GS Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế, trung tâm sử dụng hiệu quả đội ngũ chuyên gia, cán bộ y tế, cán bộ quản lý có trình độ cao từ BV luân phiên sang làm việc; bảo đảm an toàn vốn đầu tư, đủ khả năng trả lãi, nợ gốc và bước đầu tích lũy để phát triển. Đáng chú ý, trung tâm bảo đảm an toàn, hiệu quả trong điều trị, dịch vụ chăm sóc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút nhiều người bệnh ở các tỉnh, thành phố và một số nước đến chữa bệnh dưới dạng du lịch khám chữa bệnh.
Cũng nhờ vay vốn ngân hàng, BV Nội tiết Trung ương (Hà Nội) đã xây dựng được cơ sở mới và vừa khánh thành thêm tòa nhà điều trị nội trú 9 tầng mà trong đó vốn vay chiếm tới 63%. Các công trình được đầu tư hiện đại đã giúp BV có sự lột xác mạnh mẽ. Điều này nếu chỉ trông chờ vào vốn ngân sách thì 3-4 năm nữa các BV này cũng không thể hoàn thành, đưa vào sử dụng được các công trình nói trên. Hiện cả nước có khoảng 10 BV công lập tuyến cuối đã vay vốn ngân hàng với số tiền khoảng 1.500 tỉ đồng để đầu tư xây dựng và mua trang thiết bị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc tự chủ tài chính đối với BV công sẽ giúp các BV có thể triển khai xã hội hóa việc đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, nhờ đó người dân được khám chữa bệnh bằng những kỹ thuật cao. Song song đó việc tự chủ tài chính cũng giúp cán bộ, nhân viên y tế nâng cao thu nhập nên thái độ phục vụ sẽ tốt hơn.
Lo vỡ nợ
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, tiến tới tính đủ, nên BV công sẽ không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí mà phải hoạt động bằng nguồn thu từ bệnh nhân. Ông Khuê cho rằng BV muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Nếu không, người bệnh không đến khám chữa bệnh hoặc cơ quan BHXH không ký hợp đồng thì BV không có bệnh nhân, không có nguồn kinh phí để hoạt động, thậm chí BV tự chết.
Tuy nhiên, cũng không ít BV đang dè dặt với chủ trương tự chủ tài chính. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là mối lo và áp lực phải trả nợ ngân hàng, đồng nghĩa với trách nhiệm phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và chấp nhận độ rủi ro lớn.
Theo PGS-TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, hiện mỗi năm BV dự kiến phải trả cả vốn lẫn lãi vốn vay ngân hàng là 40 tỉ đồng, khiến việc tự chủ về tài chính gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh viện phí vẫn chưa được tính đúng, tính đủ. Do vậy, muốn khuyến khích các BV dần chuyển mình thành… doanh nghiệp có thể tự chủ được tài chính, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người bệnh thì Bộ Y tế phải từng bước tháo gỡ những khó khăn này cũng như điều chỉnh viện phí theo đúng lộ trình.
“Cùng lúc phải thực hiện bài toán nhân lực, trang thiết bị nên BV phải tìm mọi cách lấy lòng người bệnh, chào đón để họ đến với mình. Thực hiện điều chỉnh viện phí, tiến tới tự chủ tài chính, có BV rất phát triển nhưng cũng có BV “teo tóp” đi” - lãnh đạo một BV chia sẻ.
Chính vì nguồn thu quyết định sự tồn tại của BV nên nhiều chuyên gia, nhà quản lý lo ngại tình trạng cơ sở khám chữa bệnh lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định quá mức cho người bệnh trong quá trình điều trị để tận thu. Trong năm 2015, qua quá trình kiểm tra, BHXH Việt Nam cũng đã thu hồi hàng ngàn tỉ đồng từ các cơ sở y tế do chi sai, chi không đúng. Trong đó, không ít cơ sở lạm dụng các kỹ thuật xét nghiệm, chiếu chụp để “loạn thu”.
TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng phân tích, tự chủ tài chính là một chủ trương tiến bộ nhằm tạo điều kiện cho các BV nâng cao chất lượng khám chữa bệnh một cách chủ động, không còn ỷ lại, trông chờ vào ngân sách. Tuy nhiên, khi mô hình công - tư lẫn lộn, không có kiểm soát, không được giám sát một cách độc lập thì dễ dẫn đến lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng thuốc… để trục lợi. Điều này làm mất đi niềm tin của người dân vào bác sĩ, vào BV.
Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế cho thấy các BV tuyến trung ương và các thành phố lớn hưởng lợi nhiều hơn từ cơ chế tự chủ vì các đơn vị này thu hút được nhiều người bệnh có khả năng chi trả các dịch vụ kỹ thuật cao và có khả năng huy động vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Điều này khiến nhân lực y tế chất lượng cao “chảy máu” lên các thành phố lớn. Ngay cả bệnh nhân cũng bỏ qua y tế cơ sở mà “nhảy thẳng” lên trung ương.
Tiến tới tự chủ hoàn toàn
PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết lợi ích của cơ chế tự chủ tài chính là không thể phủ nhận. Đến nay, cơ chế tự chủ không chỉ giúp các BV có thể huy động vốn mua sắm trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng được thu nhập cho lao động mà về y đức cũng phần nào khắc phục thái độ ban ơn, cách hành xử nhiều khi hách dịch trong một bộ phận cán bộ y tế. Đến nay, TP HCM đã có 7 BV tự chủ hoàn toàn về tài chính, 43 BV tự chủ một phần, 3 BV chưa tự chủ.
Trả lời vấn đề người dân lo lắng khi các BV tự chủ tài chính thì chỉ ưu tiên cho bệnh nhân “nhà giàu”, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM khẳng định sẽ không có chuyện đó, bởi BHYT đã liên thông thì bệnh nhân chọn BV tốt mà đến. Điều này bắt buộc các BV phải nâng chất lượng để thu hút người bệnh. BHYT chi phối, BV nào không nâng cấp để thu hút bệnh nhân coi như tự thua.
Tại buổi làm việc với Đảng ủy Sở Y tế TP HCM mới đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh các đơn vị y tế công lập phải tiến tới tự chủ hoàn toàn. Thậm chí được giao quyền tự chủ trong tổ chức cán bộ, tuyển dụng, đào tạo… nhằm nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu BV.
Nguyễn Thạnh
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội:
Quản lý nhà nước cần hiệu quả hơn
Về lâu dài, các BV thực hiện tự chủ cần tách bạch khu vực xã hội hóa với khu vực khám chữa bệnh BHYT. Và, quan trọng hơn là quản lý nhà nước cần hiệu quả hơn nữa đối với các BV thực hiện tự chủ tài chính.
GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế:
Vai trò của nhà nước giảm nhẹ
Tự chủ của chúng ta hình như có khuynh hướng giao toàn quyền mà vai trò của nhà nước giảm nhẹ. Với chính sách về kinh tế tự chủ theo kiểu này, BV lo trả lương thì tôi không biết điều hành, bố trí cán bộ sẽ ra sao và ai sẽ công tác ở vùng sâu, vùng xa nếu không có chính sách điều hành tốt.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức:
Mất tiền, mất đủ thứ
Khi thực hiện tự chủ, các BV được chủ động phục vụ theo nhu cầu đa dạng của người bệnh. Nếu chúng ta cứ nói bây giờ nước ta còn nghèo nên cứ phục vụ nhu cầu thiết yếu cơ bản thì bao nhiêu đối tượng giàu đi ra nước ngoài chữa bệnh hết. Như thế thì mất tiền lại mất đủ thứ, trong khi nhu cầu tiếp cận dịch vụ có chất lượng ở trong nước là nhu cầu chính đáng. Chỉ có tự chủ thì bệnh viện mới huy động, nâng cấp và có động lực để phát triển nhanh các kỹ thuật hiện đại.
Bình luận (0)