“Thưởng Tết giáo viên năm nay “hứa hẹn” sẽ là một số tiền nhỏ mà giáo viên có thể ứa nước mắt khi ký nhận” như lời cô Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Sơn (huyện Gia Lâm - Hà Nội): Không thể gọi là thưởng Tết mà chỉ là quà cuối năm.
Ngành giáo: Chỉ gọi là “quà”
Bà Bùi Kim Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (huyện Ba Đình - Hà Nội), cũng cho biết: Giáo viên của trường không có khái niệm thưởng mà chỉ là “trợ cấp Tết”. Dự kiến năm nay, mức trợ cấp trường dành cho các thầy, cô khoảng 500.000 đồng/người.
Cũng trong tình trạng đau đầu vì “không biết lấy tiền đâu mà thưởng”, bà Phùng Thị Tình, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì - Hà Nội), cho rằng trường còn phải lo động viên các cháu đi học, không bỏ học cháu nào là quý cháu nấy thì không thể có nguồn thu từ dạy thêm, học thêm hay các nguồn khác. Năm ngoái, mỗi giáo viên được trường “tặng” 200.000 đồng, hội cha mẹ học sinh tặng thêm 100.000 đồng.
Tại TPHCM, từ nhiều năm nay, cán bộ, giáo viên công lập không có khái niệm “thưởng Tết” hay “lương tháng 13”. Mức chăm lo Tết cho giáo viên tại các trường này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng cân đối thu - chi trong cả năm. Đặc biệt, ở ngoại thành, do mức thu thấp hơn nội thành trong khi ngân sách không có sự chênh lệch nên rất khó để tiết kiệm các chi phí phát sinh. Vì vậy mà Tết của giáo viên ngoại thành cũng đìu hiu. Cô Võ Thị Trúc Mai, giáo viên Trường Mầm non Bình Khánh (huyện Cần Giờ-TPHCM), tâm sự: “Hôm rồi, nghe nhà trường thông báo do phải chi nhiều cho cho việc sửa chữa cơ sở vật chất nên giáo viên sẽ không có “thưởng Tết” ai cũng thấy bùi ngùi”.
Ngành y: Đắp đổi
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội), đến thời điểm này, BV chưa có kế hoạch thưởng Tết, nhưng có lẽ không có sự khác biệt so với năm 2010. “Cá nhân tôi, năm 2010 được thưởng Tết 11 triệu đồng. Nếu so với các BV khác, mức này cũng tương đối khá nhưng nếu so sánh với các ngành nghề khác thì cũng chẳng thấm vào đâu. Là lãnh đạo, tôi cũng mong muốn nhân viên của mình được thưởng Tết cao hơn nhưng với cơ chế như hiện nay không biết bao giờ mới thực hiện”- ông Quyết nói.
Cho rằng y tế là một trong những ngành có mức thưởng Tết thấp nhất, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), bày tỏ: Dù chưa có kế hoạch thưởng Tết nhưng BV cũng rất lo về khoản tiền Tết cho nhân viên vì năm ngoái ngân sách BV đã bị thâm hụt rất lớn. Theo ông Hiền, có những BV thời điểm này còn đang lo không có tiền trả lương, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật y tế cho nhân viên, vì thế không thể hy vọng được thưởng Tết cao. “Với một BV đa khoa đầu ngành miền Bắc như BV Bạch Mai có lẽ mức thưởng cũng chỉ dưới 3 triệu đồng/nhân viên, không thay đổi so với năm ngoái. Vì mức thưởng quá thấp nên với nhiều nhân viên y tế, thưởng Tết không phải là điều họ háo hức chờ đợi vào mỗi dịp cuối năm”- ông Hiền nói.
Bà Lê Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) ngành y tế TPHCM, cho biết qua khảo sát sơ bộ ở những đơn vị có thu, tình hình chăm lo tương đối ổn. Tuy nhiên, các đơn vị không thu hoặc đặc thù như BV Tâm thần Lê Minh Xuân, BV Nhân Ái, BV Phong Bến Sắn, Trung tâm Y tế dự phòng TP… gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị đang cố gắng giữ mức thưởng Tết bằng năm trước (bình quân 7 triệu đồng/người).
Công đoàn ngành y, giáo dục chăm lo Tết Theo báo cáo của CĐ ngành y tế TPHCM, hiện có khoảng 1.100 CNVC-LĐ rất khó khăn, cần được chăm lo. CĐ ngành y tế TP đang vận động các doanh nghiệp, các đơn vị thu nhập khá ủng hộ, san sẻ cùng các đơn vị khó khăn. CĐ ngành giáo dục TPHCM cũng đang phát động phong trào “Giáo viên nội thành chung tay chăm lo Tết cho giáo viên ngoại thành”. Dự kiến CĐ ngành giáo dục sẽ hỗ trợ khoảng 1.100 phần quà (mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng) cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn ở 5 huyện ngoại thành; đồng thời hỗ trợ vé tàu, xe về quê ăn Tết cho những cán bộ, giáo viên khó khăn, nhiều năm chưa có điều kiện về quê ăn Tết. |
Bình luận (0)