Vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn là bài học xương máu đối với nhiều địa phương trong công tác quản lý giao thông đường thủy nội địa, nhất là ở những nơi tập trung đông loại hình tàu thuyền phục vụ du lịch.
“Ưa thì mặc, không thì thôi”
Ngày 5-6, có mặt tại bến tàu Cầu Đá (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi chứng kiến hàng chục lượt tàu du lịch, canô, tàu dân sinh đưa đón khách du lịch ra vào các đảo. Hầu hết du khách không mặc áo phao.
Trên con tàu cao tốc Hồng Danh 09 từ cảng Sa Kỳ đi đảo Lý Sơn sáng 2-6, không một hành khách nào mặc áo phao
Ảnh: HỒNG ÁNH
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, hiện mỗi ngày có khoảng 1.000 khách du lịch từ cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn ra đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, việc phòng hộ cho du khách trên những con tàu không được chú trọng. Có mặt trên con tàu cao tốc Hồng Danh 09 với trên 120 hành khách rời cảng Sa Kỳ vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 2-6, chúng tôi tìm mãi nhưng không thể thấy chiếc áo phao dành cho mình để đâu. Toàn bộ hành khách không ai mặc hoặc cầm trên tay áo phao phòng khi tình huống xấu xảy ra. Nhân viên tàu cũng không thèm nhắc, hướng dẫn du khách mặc áo phao.
Tại bến đò Tòa Khâm, bến đò số 5 Lê Lợi (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), mỗi ngày có hàng chục thuyền rồng đón khách du lịch sông Hương. Trên các thuyền, những chiếc áo phao còn rất mới, thậm chí cất trong bao chất đống ở góc thuyền. Mỗi khi khách lên thuyền, không hề có ai được cấp áo phao. Một chủ thuyền rồng thản nhiên: “Áo phao bỏ thế thôi chứ khách lên thuyền có ai mặc mô? Khách ưa thì mặc, không thì thôi!”.
Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu như thuyền rồng nào cũng trang bị bếp gas để nấu nướng nhưng các thiết bị chữa cháy không được chủ thuyền trang bị để phòng khi rủi ro.
Không thể ép mặc áo phao
Thiếu tá Lê Hồng Hà, Trưởng Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an Thừa Thiên - Huế, thừa nhận trừ các bến đò ngang, còn lại các tàu du lịch ở các bến khác tại Huế không quy định mặc áo phao khi lên tàu. Khi nào có sự cố thì du khách mới lấy áo phao ra mặc.
Vấn đề đặt ra là vì sao các phương tiện đường thủy, tàu du lịch lơ là trang bị bảo hộ an toàn, xem thường việc cung cấp áo phao cứu sinh như vậy? Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, lý giải các quy định hiện nay chỉ bắt buộc mặc áo phao ở bên đò ngang. Còn bến thủy nội địa thì không có quy định bắt buộc mặc mà chỉ cần để nơi dễ thấy, dễ cầm nắm khi xảy ra sự cố. “Đây là điều bất cập, chúng tôi rất khó xử lý” - ông Thái phân trần.
Theo ông Phạm Văn Chương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, trách nhiệm bảo đảm an toàn không chỉ của cơ quan quản lý mà còn của chủ bến, đơn vị tuần tra giao thông đường thủy. Tuy nhiên, quy định pháp luật có trường hợp bắt buộc, có trường hợp không nên rất khó đủ cơ sở pháp lý để xử lý.
“Ở bến Cầu Đá, chúng tôi đều yêu cầu mặc áo phao, ngay cả với tàu dân sinh. Thậm chí, chúng tôi yêu cầu chủ bến phải làm cam kết kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở du khách phải mang áo phao. Việc phóng viên phản ánh tình trạng người dân, du khách không mặc áo phao, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại ca trực” - ông Chương cho biết.
Bình luận (0)