Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của nhiều người dân xóm 5, xã Hưng Yên Nam khi hằng ngày phải đối diện nguy cơ bị đất đá từ núi Rú Rậm chôn vùi.
Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Phan Trọng Khánh (ngụ xóm 5, xã Hưng Yên Nam) kể: “Đêm 7-11, gia đình đang ngủ thì nghe tiếng ầm ầm từ phía sau nhà. Tôi chạy ra soi đèn thì thấy nhiều tảng đất đá lớn từ trên núi đổ xuống vùi lấp vườn cây ăn quả, giếng nước, chuồng trâu. Hoảng hốt, tôi chỉ kịp gọi vợ và con tháo chạy ra ngoài thoát thân. Ở đây nhiều năm rồi nhưng chưa bao giờ tôi thấy đất đá lở từ trên núi xuống nhanh như vậy”.
Theo ông Nguyễn Trọng Long (xóm trưởng xóm 5, xã Hưng Yên Nam), đợt mưa lớn vừa rồi làm đất đá trên núi Rú Rậm sạt lở, đổ xuống lấp nhiều vườn nhà dân trong xóm. Tuy vụ sạt lở này không gây thiệt hại về người nhưng làm hư hỏng nhiều tài sản, cây cối của người dân.
Nguy cơ sạt lở núi Rú Rậm đang đe dọa đời sống người dân xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An
Không chỉ gây lo sợ cho người dân xóm 5, việc sạt lở đất đá ở núi Rú Rậm còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhiều người dân xóm 6 và xóm 7A, xã Hưng Yên Nam. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam, cho biết: “Hàng ngàn mét khối đất đá trên núi sạt lở ảnh hưởng tới 52 hộ dân với gần 400 nhân khẩu. Ngay sau khi có hiện tượng núi bị sạt lở, chính quyền đã huy động hơn 50 người gồm cán bộ, công an, dân quân tự vệ tới các hộ dân để vận động di dời tài sản và trẻ em đến nơi an toàn”.
Theo ông Hiếu, các hộ dân sống dưới chân núi Rú Rậm vẫn đang phải đối diện với nguy hiểm, đặc biệt là những lúc xảy ra mưa lớn. “Nếu xảy ra mưa lớn thì nguy cơ đất đá trên núi đổ xuống vùi lấp nhà dân là rất dễ xảy ra. Trong đó, khu vực nguy hiểm nhất là nhà của một số hộ dân tại xóm 7A và những gia đình ở sát chân núi” - ông Hiếu nhận định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Đức Ân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Nguyên, cho biết sau khi xảy ra sạt lở núi, chính quyền huyện đã nắm được thông tin và cử đoàn xuống hiện trường kiểm tra, giúp người dân dọn đất đá để ổn định cuộc sống.
“Trước mắt, để bảo đảm an toàn cho các hộ dân vào những ngày mưa lớn, chúng tôi sẽ sơ tán họ ra khỏi khu vực có nguy cơ bị đất đá vùi lấp. Về lâu dài, UBND tỉnh đang đưa ra phương án cắt ngọn núi thành hình bậc thang và xây móng để chống sạt lở. Việc triển khai cắt gọt ngọn núi phụ thuộc vào phương án, nguồn kinh phí của tỉnh và trung ương” - ông Ân nói.
Bình luận (0)