Nội dung nói trên của TP HCM nằm trong Kế hoạch thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X về chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 vừa được UBND TP ban hành.
Còn Hà Nội, tại buổi làm việc với huyện Ứng Hòa ngày 29-11, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết cuối năm nay, TP này sẽ ban hành quy chế ứng xử của công chức trong hệ thống hành chính để chấn chỉnh hành vi, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức. TP Hà Nội sẽ cương quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức có hành vi ứng xử không đẹp nơi công cộng.
Xây dựng nếp ứng xử văn minh là việc làm cần thiết, các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM thì càng nên làm bởi những nơi đó phản ánh khá sát thực tầm văn hóa của đất nước. Cán bộ, công chức là đội ngũ đại diện cho cơ quan nhà nước nên cần phải khuôn phép, qua đó mới thấy được sự tôn nghiêm của quyền lực nhà nước; người dân cũng nhìn vào mà có thái độ giao tiếp, ứng xử phù hợp.
Dù vậy, cũng chưa vội quá kỳ vọng rằng các cơ chế, quy chế mới sẽ làm thay đổi diện mạo cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Mọi biện pháp hành chính hóa nhằm chấn chỉnh hành vi của cán bộ, công chức đều có giá trị chừng mực vì tính ràng buộc tương đối của nó. Cơ chế hay quy chế thì tầm mức quy buộc có hạn. Ngay cả các luật, như Luật Phòng chống tham nhũng, cấm các hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, đòi hối lộ hay Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức “luật hóa” tinh thần cần - kiệm - liêm - chính, chí công - vô tư và cấm mọi thái độ vô lễ, xấc xược, vô cảm với người dân, ấy vậy mà nhiều cán bộ nhà nước đã mắc sai phạm dù nắm rất kỹ.
Do vậy, dưỡng liêm được suốt quãng đời khoác áo công vụ là cả một quá trình trui rèn gian khổ của từng người sao cho đề kháng, miễn nhiễm được trước cám dỗ vật chất, sao cho không gục ngã bởi “viên đạn bọc đường” chứ không phải ban hành quy định thật nhiều thì mới ngăn chặn được hành vi tiêu cực. Bằng chứng là trong rất nhiều trường hợp cùng chung một môi trường nhưng người này trong sạch còn người kia nhúng chàm.
Thế nên, quy định được ban ra phải đi kèm thực thi triệt để và cơ chế giám sát hiệu quả. Làm được như vậy thì những cơ chế, quy chế (trong tương lai gần) mới phát huy vai trò hỗ trợ nhiệm vụ quản lý nhà nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ và củng cố niềm tin từ nhân dân. Nếu không thì những trường hợp như ông Đào Vịnh Thuấn, cán bộ Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hành hung nữ nhân viên Vietnam Airlines ở sân bay hoặc ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đối ngoại thuộc Sở Ngoại vụ Hà Nội, đánh bầm dập một tiến sĩ đã về hưu hay như trước đó, hai ông phó giám đốc sở ở Bình Phước dùng ly bia đập nhau gây thương tích... sẽ còn tái diễn.
Kiên quyết bãi miễn, loại bỏ cán bộ hư hỏng..., hy vọng chính quyền các địa phương nói là làm.
Bình luận (0)