Sáng 13-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “đăng đàn” trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu (ĐB) Quốc hội.
Chưa quyết vụ lấp sông Đồng Nai
Đặt câu hỏi đầu tiên trong phiên chất vấn, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cho biết thời gian qua, dư luận rất bất bình về việc chặt hàng loạt cây xanh ở Hà Nội và lấp sông ở Đồng Nai. “Cử tri đặt câu hỏi: Có hay không việc đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích cộng đồng? Trách nhiệm của 2 địa phương nói trên ra sao? Chính phủ đã chỉ đạo xử lý vấn đề này như thế nào?” - ĐB Nghĩa chất vấn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thủ đô Hà Nội có hơn 1.000 tuyến phố có cây xanh ở 2 bên đường. Sau khi dư luận phản ứng, Thủ tướng đã có chỉ đạo làm rõ. Kết quả thanh tra của UBND TP Hà Nội cho thấy việc chặt cây ở đường Nguyễn Trãi là để làm tuyến đường sắt đô thị trên cao mà theo Luật Đường sắt thì phải chặt để bảo đảm an toàn trong hành lang từ 15-18 m. Còn việc chặt cây trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là để cải tạo cây tạp theo đề án trồng mới, thay thế cây hư hỏng, ngã đổ... Tuy nhiên, qua thanh tra, TP Hà Nội cũng rút ra kết luận đề án làm còn sơ sài, quá trình thực hiện có những sai sót như không công khai, không bàn bạc với dân, không hỏi ý kiến các chuyên gia.
Về dự án lấp sông Đồng Nai, Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo và cử đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp vào Đồng Nai xem xét. “Đoàn thanh tra liên ngành đang tiếp tục làm việc với tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng về đánh giá tác động môi trường của dự án này để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định” - Phó Thủ tướng thông tin.
Công chức không biết “xin lỗi”, “cảm ơn”
Vấn đề quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, công chức được khá nhiều ĐB đặt ra tại phiên chất vấn. ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng thành hay bại của mọi chủ trương chính sách đều từ con người, do con người. Tuy nhiên, dư luận và cử tri rất bất bình vì một bộ phận cán bộ, công chức có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, hách dịch, vô cảm, vô tâm, xa dân, lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử, đánh mất năng lực lắng nghe và tiếp thu, quên hẳn 2 từ “cảm ơn” và “xin lỗi” khi thực thi công vụ. “Chính phủ nói chung và cá nhân Phó Thủ tướng đã có những giải pháp mạnh mẽ nào nhằm cải cách chế độ công vụ, nâng cao trách nhiệm và đạo đức công chức, viên chức để họ thực sự là công bộc của dân?” - ĐB Tiến hỏi.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây thuộc về đạo đức công vụ. Quốc hội đã có Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức và Chính phủ cũng đã ban hành 18 nghị định hướng dẫn, yêu cầu các cấp, ngành thực hiện nghiêm những quy định của Đảng, nhà nước về đạo đức công vụ. “Sắp tới, Chính phủ sẽ có một số biện pháp thanh tra, kiểm tra, đổi mới chế độ chính sách công vụ như mô tả việc làm, giảm biên chế, đặc biệt tổ chức thi tuyển để tìm những cán bộ tốt, loại bỏ công chức vô cảm, xa dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện cả nước có gần 4 triệu công chức, viên chức, chưa kể công chức, viên chức lực lượng vũ trang nhân dân. “Cử tri băn khoăn khi có đến 30% công chức trong bộ máy “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Tỉ lệ này có thay đổi, còn bao nhiêu?” - ĐB Lê Như Tiến chất vấn. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác nhận đúng là có tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Thay đổi việc này phải kết hợp cả tuyên truyền, giáo dục, tăng cường kỷ luật lao động và quan trọng hơn cả là hoàn thành những bảng mô tả việc làm. “Tỉ lệ cụ thể chúng tôi cũng không nắm được một cách chắc chắn. Lần trước, tôi nói 30% là dư luận đề cập thôi chứ không phải khẳng định có ngần ấy công chức “cắp ô...”. Báo cáo của các bộ, ngành đơn vị thì tỉ lệ này rất thấp” - Phó Thủ tướng giải thích.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đánh giá, bình chọn một cách kịp thời để loại bỏ những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, đạo đức, năng lực; làm cho bộ máy trong sạch, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bình luận (0)