Thay vì phải dài cổ đợi đến thời điểm khai ấn, chỉ cần bỏ ra chừng 100.000 đồng là khách có thể tự tay đóng cho mình một lá “ấn thánh”. Cảnh "tiền trao, ấn đóng" này đang diễn ra công khai ngay tại đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc - Nam Định, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng và dựng biển “Cấm xâm phạm” từ năm 1988.
Đập vào mắt du khách thập phương là hàng chục hàng quán viết sớ, bán ấn trạch, bùa hộ mệnh, hàng mã, cờ, đổi tiền lẻ, thậm chí cả quán bar - cà phê... nằm khắp dọc đường từ cổng vào tới tận cửa đền Bảo Lộc. Hễ thấy khách đến, những người bán hàng ngay lập tức xông ra chào mời đon đả, mời chào. Thôi thì đủ loại bùa, ấn, trạch; hình chữ nhật, hình vuông, to có, nhỏ có, bằng giấy có, bằng vải có. Loại để bày trong nhà, có cái dùng treo trong ô tô để di chuyển cho an toàn. Thậm chí có loại hình vuông, bé xíu kích cỡ khoảng 4 x 4 cm mà theo người bán hàng là dùng để cho vào ví. Lại còn có loại bằng giấy hình vuông được ép plastic dùng cho người đi xe máy.
Giá cả cũng khá hợp túi tiền. Loại lớn cũng chỉ 30-35.000 đồng; loại nhỏ chỉ 5-7.000 đồng. Khách cũng có thể kiếm được ở đây những lá “ấn vua” (của đền Trần, phường Lộc Vượng – TP Nam Định phát hành từ những năm trước) hay chọn “ấn thánh” (của đền Bảo Lộc) với giá chỉ 30.000 đồng/chiếc.
Những người bán hàng còn nhanh nhảu tiếp thị những lá “cờ Trần Quốc Toản” mà theo quảng cáo có thể mang lại
cho người sở hữu những điều may mắn, tốt đẹp. Khách có thể lựa chọn 2 loại cờ khác nhau. Một loại cờ đuôi nheo, một loại cờ hình vuông. Một mặt của cờ đề chữ “Trần”, một mặt có dòng chữ “Phá cường địch, báo hoàng ân” bằng chữ Hán.
Càng đi sâu vào trong đền, du khách càng choáng ngợp trước các loại ấn, trạch được bày bán ở các hàng quán. Cùng với đó, dịch vụ bán hàng mã, viết sớ, đổi tiền lẻ… cũng hoạt động rất sôi nổi. Ấn, trạch ở đây có giá 20.000 đồng, rẻ hơn hàng quán bên ngoài khuôn viên đền 10.000 đồng. Ngay dưới mái hiên đền cũng có nhiều bàn dùng để viết sớ và bày bán các loại ấn, trạch. Thậm chí ở trong đền chính, tại bàn của thủ nhang cũng đề biển quảng cáo “nơi cấp quốc ấn, sắc lệnh, trấn, trạch”!
Ở đền Bảo Lộc còn có màn… tự đóng “quốc ấn”. “Dịch vụ” này được tổ chức cả ngày lẫn đêm ngay tại nơi tôn nghiêm nhất của ngôi đền thờ vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Nơi đóng ấn là gian mật thất có treo biển đề “Cung cấm” rộng chừng 10 m2 nằm sâu trong đền. Để vào đây, khách phải cúi người lom khom lách mình chui qua một cánh cửa nhỏ bằng gỗ nằm phía tay phải, cao khoảng 70 cm và rộng chừng 50 cm. Bên trong bài trí tượng thờ Trần Hưng Đạo và hai người thầy của người. Phần bệ thờ Đức Thánh chiếm khoảng 1/3 diện tích, chia gian nhà thành hai nửa riêng biệt.
Địa điểm đóng ấn nằm sâu trong góc cung cấm và được trấn giữ bởi 3 thanh niên hoạt động luôn tay. Một người đứng bên cạnh cảnh giới, một người có nhiệm vụ thu tiền bỏ vào két, người còn lại thoăn thoắt chấm mực đỏ rồi vứt phịch xuống chồng vải màu vàng xếp sẵn trên chiếc ghế thấp. Hễ có người chìa tiền ra, anh chàng "thủ ấn" này lại giục đóng ấn cho nhanh để nhường chỗ cho hàng chục người đang chen lấn, xô đẩy phía sau.
Giá của một chiếc ấn tự đóng là 50.000 đồng, đắt hơn bên ngoài 20.000 đồng. Nếu lấy cả trấn trạch, khách phải trả thêm 50.000 đồng nữa, miễn mặc cả vì giá đã được ấn định! Khách chỉ đủ thời gian đặt chiếc “Quốc ấn” bằng đồng xuống chồng vải, giật vội lá “ấn thánh” của mình rồi hớn hở tháo lui bằng cách chui dưới bệ thờ Đức Thánh Trần để lọt sang phía bên trái “Cung cấm”.
Trao đổi với TTXVN, lãnh đạo xã Mỹ Phúc thừa nhận những bất cập trong việc quản lý đền Mỹ Lộc. Tuy nằm trên địa bàn nhưng việc quản lý di tích cấp quốc gia này hiện lại hoàn toàn nằm trong tay ông ba thủ từ người địa phương. Xã chỉ được họ “nhường quyền” thu tiền công đức đúng 11 ngày mỗi năm vào dịp lễ hội tháng 8; thôn Bảo Lộc được quyền thu tiền 19 ngày mỗi năm. Trong 11 tháng còn lại, việc quản lý và thu tiền đều do ba ông thủ từ mà dân địa phương bầu ra theo chế độ luân phiên hằng năm. Do vậy, gần như tất cả nguồn thu từ tiền công đức của du khách đều rơi vào túi riêng của ba ông thủ từ này cũng như con cháu của họ. Xã Mỹ Phúc và huyện Mỹ Lộc đã nhiều lần cố gắng lập lại trật tự, kỷ cương trong việc quản lý khu di tích này nhưng đều bất thành do vấp phải sự phản ứng của người dân thôn Bảo Lộc.
Bình luận (0)