Ngày 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến dự án Luật Quy hoạch. Đây là một trong những lĩnh vực người dân ta thán nhiều nhất trong những năm qua.
Manh mún, chồng chéo
Ký tờ trình dự án Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận nhiều quy hoạch chỉ như một báo cáo nghiên cứu khoa học, không thực tiễn. Quy hoạch chủ quan, không phù hợp với yêu cầu của thị trường, cản trở thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nên phải điều chỉnh.
“Đã có quy hoạch những loại sản phẩm gây bất lợi cho các doanh nghiệp (DN) khi bị kiện chống bán phá giá ở nước ngoài. Không ít loại quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một dạng “giấy phép con” gây cản trở cho DN và người dân” - Bộ KH-ĐT khẳng định. Mặt khác, việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng; nhiều dự án được xác định “ưu tiên đầu tư” trong những quy hoạch bị “treo”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng góp ý không nên lập quy hoạch sản phẩm vì thường có độ trễ so với thị trường. Việc này sẽ hạn chế sự sáng tạo của DN và nên để cho thị trường quyết định. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết có sự nhất trí cao về bỏ quy hoạch sản phẩm vì nó không thích nghi với cơ chế thị trường, tạo kẽ hở cho tiêu cực, cơ chế xin - cho.
Bảo vệ quan điểm Luật Quy hoạch xây dựng theo hướng tổng thể quốc gia được lập tích hợp, đa ngành, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết phương pháp này sẽ khắc phục được xung đột lợi ích hiện hữu không chỉ giữa nhà nước với xã hội, Chính phủ với DN, người dân mà còn khắc phục xung đột giữa các bộ, ngành với nhau, giữa trung ương và địa phương, giữa phát triển vùng và địa phương.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết đa số ý kiến góp ý rất xác đáng vì sẽ giúp bỏ được những loại giấy phép không phù hợp với kinh tế thị trường và đây là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính.
Nhiều ý kiến trái chiều
Nhận xét về phương án quy hoạch tổng thể quốc gia, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng nếu phương án này được thông qua thì sẽ giảm từ hơn 19.000 quy hoạch theo cách làm hiện nay (tính đến năm 2020) còn hơn 11.000 quy hoạch; kinh phí dự kiến từ hơn 8.000 tỉ đồng sẽ giảm còn 248 tỉ đồng.
Thế nhưng không ít các chuyên gia hoài nghi về phương án quy hoạch tổng thể quốc gia. Dẫn các đánh giá về quy hoạch hiện nay nhiều bất cập, thiếu tầm nhìn, lại bị chi phối bởi 70 luật, pháp lệnh và hàng trăm nghị định, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đặt câu hỏi: Phạm vi luật quy định như thế nào? Luật nội dung hay hình thức? “Tôi hình dung đây là luật hình thức vì không thể thay thế các luật chuyên ngành” - ông Lưu băn khoăn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cũng phản biện: “Theo dự luật này, quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh sẽ bị bãi bỏ. Ai là người làm việc quy hoạch vùng, tỉnh gắn với kế hoạch phát triển KT-XH; ai có đủ năng lực và được đào tạo để làm việc này?”.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng không nhất trí về quy hoạch tổng thể. “Chúng tôi đã có ý kiến gửi Chính phủ, QH về vấn đề này. Sau đó, Chính phủ có quyết định thành lập hội đồng quy hoạch tổng thể nhưng với mỗi ngành thì phải lập hội đồng quy hoạch của ngành mình chứ nếu đẩy hết lên Chính phủ sẽ không làm nổi. Luật này mới chỉ đề cập quy hoạch đô thị, còn quy hoạch ở nông thôn cũng đang rất lộn xộn…” - ông Toàn nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định, nếu theo dự luật này thì những quy định trong Luật Đất đai về quy hoạch tỉnh, huyện sẽ không còn mà chỉ còn quy hoạch vùng, liên vùng; xung đột thẩm quyền của các cơ quan như Chính phủ, QH trong việc phê duyệt quy hoạch… rất phức tạp. Về nguyên tắc, luật này không thể buộc các luật khác “chạy” theo mà phải tôn trọng các luật đã thực hiện ổn định, chỉ điều chỉnh các luật có bất cập.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị vì còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ sẽ rà soát lại. Nếu đủ điều kiện sẽ trình UBTVQH vào phiên họp tới (từ ngày 3-10), cho ý kiến thật kỹ để khi trình ra QH phải bảo đảm chất lượng.
Trang bị vũ khí cho điều tra viên VKSND
Chiều cùng ngày, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự luật này là quy định bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng điều tra của VKSND. Theo quan điểm của Bộ Công an - cơ quan soạn thảo - qua thảo luận, việc bổ sung đối tượng này đã gây ra nhiều ý kiến băn khoăn bởi cơ cấu, tổ chức cơ quan điều tra của VKSND ít, số vụ việc điều tra không nhiều; đối tượng phạm tội là người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp.
Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, cho biết bình quân mỗi năm, cơ quan điều tra của viện này khởi tố khoảng 175 vụ án với khoảng 300 bị can. Cơ quan điều tra VKSND Tối cao không chỉ điều tra tội phạm liên quan đến xâm phạm hoạt động tư pháp mà cả các vụ án kinh tế, tham nhũng. Đã là tội phạm thì đều rất nguy hiểm. Không thể tiếp tục để xảy ra tình trạng cơ quan điều tra phải bắt giữ người bằng… dây thừng như hiện nay.
N.Quyết
Bình luận (0)