Theo quy định của UNESCO, sau khi được vinh danh, nếu không thực hiện đúng theo công ước quốc tế về bảo vệ di sản, danh hiệu của Hoàng thành Thăng Long có thể bị thu hồi. Vấn đề đặt ra là ngay từ bây giờ, các cơ quan hữu quan và mỗi người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc bảo tồn di sản.
Biện pháp bảo tồn vẫn đang bỏ ngỏ
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, khẳng định để di tích không bị xuống cấp, cần phải có biện pháp bảo tồn lâu dài. Nhưng muốn bảo tồn lâu dài thì phải có chủ trương, phải lập quy hoạch cho khu di tích này, cũng như quy hoạch chung cho tổng thể di tích Hoàng thành Thăng Long - Thành cổ Hà Nội.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được về quy mô bảo tồn bởi khu di tích vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu, phân loại di vật và chưa có quy hoạch tổng thể.
GS Phan Khanh cho rằng điều quan trọng nhất trong bản quy hoạch tổng thể Hoàng thành Thăng Long là cần phải tính đến việc xây dựng lại Điện Kính Thiên. Phải làm cứng hóa một số bề mặt của những tầng văn hóa đã phát lộ từ tầng thời Bắc thuộc cho đến tầng thời nhà Nguyễn để người xem thấy được rằng ngày xưa ở đây có cung điện, có trà đình, có sông nước và có cả những bông lá sen xòe tán trên mặt nước...
Tuy nhiên, rất nhiều nhà khảo cổ lại cho rằng trong điều kiện hiện nay thì việc phục dựng di tích cũ là không thể được. Đến nay, qua rất nhiều hội thảo bàn về phương pháp bảo quản với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, các nhà khoa học mới thống nhất được việc bảo tồn theo hai hướng: Bảo tồn những di tích cố định ngoài trời để phục vụ cho việc nghiên cứu, tham quan du lịch sau này và bảo tồn những di vật đã được lấy lên từ lòng đất.
Việc phục dựng di tích đền đài đã bị phá hủy, theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trước mắt chỉ nên phục dựng nhờ công nghệ 3D vì các nhà khoa học chưa tập hợp đủ các cứ liệu khoa học để tiến hành công việc này. GS Phan Huy Lê khẳng định việc bảo tồn các di tích khảo cổ học dưới lòng đất là một công việc cực kỳ khó khăn và cần phải nghiên cứu lâu dài.
Những mái che mưa nắng tại khu vực Hoàng thành Thăng Long chỉ là một phương án tạm thời, hiện vẫn chưa có phương án để bảo tồn lâu dài và bền vững di sản này. Điều này cần công nghệ bảo tồn hiện đại với sự hợp tác quốc tế và đầu tư của Nhà nước. Hiện nay, Nhật Bản và Viện Khảo cổ học đang tập hợp các thông số cần thiết để tiến tới bảo tồn bền vững. Phải qua nhiều năm mới có đủ thông số nhằm đưa ra giải pháp bảo tồn lâu dài.
Nhốt bia tiến sĩ trong kính?
Ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho rằng nếu làm triệt để công tác bảo vệ, tức là ngăn hoặc che kín di sản thì sẽ ảnh hưởng đến việc hưởng thụ văn hóa của khách tham quan, còn nếu để tham quan tự do thì sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của di sản.
Trung tâm đã trình UBND TP Hà Nội xem xét hai phương án bảo tồn, một là dùng kính chịu lực đặc biệt làm vách ngăn toàn bộ hai dãy nhà bia. Như vậy, khách tham quan chỉ đứng bên ngoài vách kính để nhìn ngắm, chiêm ngưỡng mà không sờ được vào di sản.
Giải pháp này tuy an toàn nhưng lại không hòa nhập với không gian cổ kính của di tích và di sản. Giải pháp thứ hai là làm lan can bằng gỗ cao khoảng một mét quây xung quanh nhà bia. Giải pháp này đẹp hơn, hài hòa với cảnh quan di tích, phù hợp với di sản tư liệu nhưng lại thiếu an toàn...
Giải pháp nào cũng có ưu điểm, nhược điểm nên đến thời điểm này, những tấm bia tiến sĩ và rùa đội bia trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn đang bị khách tham quan sờ, xoa hằng ngày.
Chờ các chuyên gia giúp sức
Mặc dù được coi là “bảo vật” nhưng hàng trăm năm qua, việc bảo quản “Mộc bản thư khố” vẫn chỉ do nhà chùa đảm nhiệm mà chưa thực sự có một phương án bảo tồn khoa học. Để kho mộc kinh chùa Vĩnh Nghiêm còn mãi với thời gian, gần đây, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã tìm kiếm những kỹ thuật bảo quản tiên tiến.
Theo ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, trước mắt, để những mảnh ván khắc không bị nứt vỡ, bảo tàng đã khắc phục bằng cách đóng, chốt gáy bằng đồng lá nhằm tăng độ chắc chắn cũng như giá trị thẩm mỹ.
Bảo tàng cũng đã phục chế một số mộc kinh bằng chất liệu phù hợp, hình thức tương đồng bản gốc để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách và các nhà nghiên cứu.
Nhiều nhà khoa học hy vọng nếu được công nhận là di sản tư liệu thế giới, những tấm mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc kêu gọi các nguồn đầu tư, thậm chí cả sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, hỗ trợ cho quá trình bảo tồn, phát huy giá trị vô giá của kho mộc kinh. |
Bình luận (0)