* Phóng viên: Trước phiên giải trình tại Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã “tuýt còi” Thông tư 16 (hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ) và 2 công văn hướng dẫn trái luật của Bộ Xây dựng. Tại sao 3 văn bản này ban hành từ năm 2010 mà phải tới nay mới đưa ra xử lý?
- TS Lê Hồng Sơn: Ngay từ năm 2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Xây dựng xem xét lại thông tư này nhưng họ không thực hiện.
Đến trước Tết Giáp Ngọ vừa rồi, chúng tôi có nhận được yêu cầu khẩn thiết đề nghị xem xét lại tính hợp pháp của các văn bản này của nhiều hộ dân đang sinh sống tại tòa nhà Keangnam (Hà Nội). Họ nói đã kiện chủ đầu tư ra tòa vì bán căn hộ thiếu nhiều diện tích, gây thiệt hại tiền tỉ nhưng chủ đầu tư đã chìa ra 3 văn bản của Bộ Xây dựng, lấy đó làm “bùa hộ mệnh” trong cách tính toán diện tích của mình.
Bắt tay vào nghiên cứu, chúng tôi thấy cả 3 văn bản đều có quy định, hướng dẫn trái thẩm quyền. Sau khi Bộ Tư pháp “tuýt còi” thì Bộ Xây dựng đã có văn bản phản hồi rằng Thông tư 16 đúng thẩm quyền. Sau đó, người dân tiếp tục gửi đơn thư tới Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nên mới có phiên giải trình hôm 25-2 vừa qua.
Hai tòa tháp Keangnam bị khiếu nại về cách tính diện tích theo Thông tư 16 và văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựngẢnh: ĐỖ DU
* Sau 10 năm triển khai công tác kiểm tra văn bản, ông đánh giá thực trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay như thế nào?
- Sau 10 năm, trên cả nước đã thực hiện kiểm tra được hơn 3,6 triệu văn bản, phát hiện hơn 90.000 văn bản có dấu hiệu sai phạm và đã được xử lý ở các mức độ khác nhau. Đáng chú ý trong số hơn 90.000 văn bản này, có gần 10.000 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu sai phạm về nội dung cần phải xử lý đình chỉ thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ. Cứ thử hình dung, nếu không có cơ chế hậu kiểm trong 10 năm qua và cứ để hàng chục ngàn văn bản sai trái này lưu hành, phát tác trong xã hội thì hậu quả sẽ thế nào?
* Theo ông, tình trạng trên là do đâu?
- Có nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có. Về chủ quan thì trình độ người soạn thảo còn hạn chế, quy trình soạn thảo không được tuân thủ nghiêm túc; việc thực hiện các bước trong quy trình còn hình thức, chưa thực chất…, nhiều lúc người đứng đầu còn khoán trắng cho cấp dưới, cho chuyên viên, thiếu sự quan tâm đúng mức. Thậm chí, còn có cả yếu tố lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, ngành và cũng không loại trừ có tiêu cực, tham nhũng chi phối mà tôi hay nói là “lobby đen” (lobby: vận động hành lang - PV).
Cũng có người cho là lực lượng pháp chế bộ, ngành, tư pháp địa phương mỏng, yếu nhưng tôi cho rằng đây chỉ là một nguyên nhân. Và nhìn rộng ra, sự yếu kém của một bộ phận không nhỏ của hệ thống công chức trong việc tham mưu, hoạch định thể chế, chính sách mới là nguyên nhân. Riêng ở Thông tư 16 thì có vấn đề lợi ích nhóm hay không thì sẽ do cơ quan có thẩm quyền xác định.
* Thời gian qua có khá nhiều văn bản có quy định trái pháp luật nhưng việc xử lý mới chỉ dừng lại ở việc thu hồi, hủy bỏ rồi làm lại mà chưa xử lý người ký ban hành cũng như bồi thường thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Ông nghĩ gì về điều này?
- Đây là vấn đề đáng lưu tâm. Rất tiếc là khi xác lập cơ chế bồi thường, nhà nước đã không thiết lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật. Hiện nay, các quy định để xử lý cũng đã có, tuy chưa thật “đặc định”. Vấn đề là chưa làm đến nơi đến chốn mà thôi. Ví dụ, có thể xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hoặc cắt thi đua, khen thưởng, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội cố ý làm trái, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay tội tham nhũng...
Theo tôi biết, cắt thi đua, người ta đã làm nhiều rồi; còn cách chức, buộc thôi việc thì chỉ có một số ít trường hợp. Về xử lý hình sự thì thực tế chưa thấy xử ai cả. Mà có xử thì cũng chỉ luận tội cùng với một loạt tội khác và phần này thường bị yếu, bị chìm đi. Tôi thấy chưa có phiên tòa nào xử riêng đối với tội phạm này, loại sai phạm này.
Để có tình trạng như vậy, tôi cho rằng một phần nguyên nhân cũng do cơ chế “hậu kiểm” thiếu sức mạnh cần thiết vì quyền của chúng tôi chỉ dừng ở mức tham mưu, thông báo kiến nghị; không có quyền trực tiếp xử lý, hủy bỏ, bãi bỏ. Tôi luôn mơ đến cơ chế tài phán mà nhiều nước đã sử dụng từ lâu như cơ chế bảo hiến, cơ chế tuyên hủy của tòa đối với văn bản trái pháp luật.
Có thể đưa vụ Thông tư 16 ra Quốc hội
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (người ký duyệt Thông tư 16) vẫn khăng khăng cho rằng thông tư này đúng thẩm quyền và không gây thiệt hại cho người mua nhà. Theo TS Lê Hồng Sơn, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Sự việc có thể sẽ được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thậm chí Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ để có hướng xử lý.
Bình luận (0)