xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Lóc cóc leng keng” làng nghề An Hội

HẢI PHONG - THU HƯƠNG

Trải qua hơn 100 năm, làng đúc lư đồng An Hội ở quận Gò Vấp, TP HCM vẫn đỏ lửa, lưu giữ được gần như đầy đủ những tinh hoa của ông cha

Làng nghề An Hội ngày nay nằm nép mình trên con đường Nguyễn Duy Cung (phường 12, quận Gò Vấp). Từ ngã tư Quang Trung - Phan Huy Ích, chỉ cần hỏi người dân, đứa con nít cũng chỉ đường trúng phóc.

Danh tiếng bốn phương

Tại nhà ông Trần Văn Thắng (còn gọi là Hai Thắng, 69 tuổi), lò nung đất, nấu đồng đang đỏ lửa, công việc nhào nặn vẫn được làm thủ công. Ông Hai Thắng đích thân chọn từng mẻ sáp, tự kiểm tra từng mẻ đồng nhưng công việc đã chuyên nghiệp hơn. Người bán, người mua tiếp thị, giao dịch qua điện thoại, Facebook...

Ông Hai Thắng bén nghề từ năm 14 tuổi. Vốn tính tò mò, ham học hỏi, sau giờ học văn hóa, ông chạy qua nhà bác ruột xin phụ việc bưng bê. Những câu hỏi ông đặt ra khiến người bác để ý và quyết tâm truyền nghề cho đứa cháu. 18 tuổi, Hai Thắng đã thạo nghề và xin ra riêng mở lò. Sau ông Hai Thắng là ông Năm Toàn và nhiều chủ lò khác đã giúp lư đồng An Hội đi ngược xuống Chợ Lớn rồi vòng lên Bến Thành, thậm chí xuống ghe thuyền sang cả Malaysia, Campuchia, Lào…

Ông Trần Văn Thắng đã theo nghề đúc lư đồng 55 năm nay Ảnh: HẢI PHONG
Ông Trần Văn Thắng đã theo nghề đúc lư đồng 55 năm nay Ảnh: HẢI PHONG

Nhấp ngụm trà, ông Hai Thắng cười sảng khoái nói: “Không hiểu sao khu Chợ Quán, Phú Lâm nghề này có trước mà đến khi làng nghề An Hội ra đời lại chìm hơn?”. Có lẽ nhờ sự phát triển nhanh như diều gặp gió cộng thêm nhiều thợ giỏi nghề nên tiếng lành đồn xa, thương nhân Nam Kỳ lục tỉnh đổ về, giao thương mua bán giúp làng nghề những tháng cận Tết vui như hội. Ngày cũng như đêm, lò nào cũng đỏ lửa. Mỗi lò cách nhau khá xa mà bên đây ngóng qua bên kia đã nghe tiếng “lóc cóc leng keng”.Các cụ già kéo thuốc rê, đi canh củi từng lò.

Ông Hai Thắng kể: “Ngộ lắm, họ chỉ cần nghe tiếng lửa reo đã đoán được khuôn ra sao, đồng chảy tới đâu, thêm củi chỗ nào, bớt than chỗ nào. Còn đám thanh niên nam nữ túm tụm nhào khuôn, thỉnh thoảng còn ơi ới hát ghẹo nhau cho qua cơn buồn ngủ:

Đồng nát thì về Cầu Nôm

Con gái nỏ mồm về ở với cha!”.

Qua bao thăng trầm, nghề vẫn vững

Như nhiều nghề khác, làng nghề An Hội cũng trải qua những thăng trầm của lịch sử. Sau năm 1975, với khó khăn chung của nền kinh tế, các đại lý cung cấp nguyên vật liệu liên tục thiếu hàng khiến các chủ lò như rắn mất đầu. Nhiều lò đóng cửa, chuyển sang ngành nghề khác. Hai Thắng trút những đồng bạc cuối cùng mua chiếc xe lam chở khách, nuôi heo, nuôi bò.

Có hôm chạy xe về đỗ xịch trước nhà, chỉ liếc qua mớ đồng xếp chồng lên nhau ở góc bếp, tự dưng ông Thắng rớt nước mắt, nhớ nghề kinh khủng. Chèo chống được vài năm, thấy ổn, ông quay lại nghề, tìm đến từng lò là con cháu, đệ tử của mình để động viên họ làm lại. Cùng lúc ấy, các đại lý lớn từng cung cấp nguyên vật liệu tái khởi động. Từ Chợ Quán, họ chạy về Bảy Hiền lập cửa hàng, các chủ lò lại cung cấp lư đồng cho họ. Từ đó, nghề đúc đồng gìn giữ đến tận bây giờ.

Làng An Hội nức tiếng khi xưa giờ chỉ còn 5 lò đúc lư. Đường sá sạch sẽ, nhà cửa san sát nhau, không còn cảnh ruộng đồng thưa thớt, nhà này “lóc cóc leng keng” nhà kia đã nghe rõ mồn một. Dù cố tưởng tượng nhưng tôi không tài nào dựng lại không gian xưa khi từng nhóm thợ túm tụm bên lò lửa, vừa chụm củi vừa húp xì xụp chén cháo trắng để kịp những chuyến hàng những ngày cận Tết. ông Hai Thắng cũng giao việc dần cho con trai út và con gái vì tuổi đã cao. Nỗi lo làng nghề mai một rồi mất hẳn trong ký ức người dân là có thật, nhất là khi những truyền nhân 20-30 năm nữa có sống đời để giữ nghề? Con cháu các ông có giữ được lửa nghề?

Là một trong hai lò đúc lư lớn của làng An Hội, gia đình ông Trần Minh Toàn (56 tuổi, chủ cơ sở lư đồng Năm Toàn) đã 4 đời làm nghề đúc lư đồng. Trải qua bao sóng gió thời gian, nhiều khi chủ lò và các anh em thợ chỉ ăn cơm độn, muối hột cầm cự, cốt làm sao cho lò đỏ lửa là vui rồi. Nhưng 20 năm nay, số lượng lò giảm nhiều, chỉ còn 1/8 so với trước. Nguyên nhân là do kinh tế đi lên, nhiều chủ lò chuyển sang nghề khác, kinh doanh nhà trọ, chia đất đai cho con cái cất nhà... thì còn đâu diện tích xây lò.

Ông Năm Toàn tâm sự tuy số lò đếm trên đầu ngón tay nhưng ông tin hầu hết các chủ lò đều yêu quý nghề, quyết tâm giữ cho được nghề truyền thống. Dù muốn hay không thì làng nghề An Hội cũng đang mai một, chí ít là theo thời gian và tốc độ đô thị hóa của thành thị. Nhưng rõ ràng những giá trị truyền thống như tục thờ ông bà, thờ cúng tổ tiên để thể hiện lòng tôn kính của con cháu vẫn được gìn giữ.

“Chưa kể chùa chiền xây dựng ngày càng nhiều nên các sản phẩm từ lư đồng vẫn bán chạy. Mỗi tháng, lò Năm Toàn đều đặn cho ra thị trường 100 bộ sản phẩm lớn, nhỏ. Con trai tôi hiện đang cùng vợ chồng tôi chăm lo lò đồng. Chỉ sợ vài chục năm nữa, thời cuộc biến thiên, thị trường biến động khiến việc làm ăn gặp chuyện chẳng lành mình khó giữ nghề” - ông Năm Toàn thở dài.

Sài Gòn hơn 200 năm trước đã có nghề đúc lư đồng và phát triển rầm rộ ở khu Chợ Quán, Phú Lâm. An Hội (quận Gò Vấp) khi ấy là vùng nông thôn đất rộng, người thưa, người dân lấy nghề trồng hoa làm kinh tế chính. Theo ghi chép và lời kể của các bậc cao niên, cuối thế kỷ XIX, ông Trần Văn Kỉnh (ông Năm Kỉnh) có lẽ vì mê thích học hỏi một nghề mới nên lặng lẽ khăn gói đến khu Chợ Quán, Phú Lâm để học nghề đúc lư đồng. Ít lâu sau, ông trở về Gò Vấp và truyền nghề đúc lư đồng cho con cháu.

Việc tốt, thu nhập lại ổn nên theo thời gian, không chỉ gia tộc họ Trần, nhiều người tìm cách học hỏi, xin phụ việc, từ một lò rồi đến 2, 3 lò và hơn 50 lò cùng đỏ lửa, đúc khung, nấu đồng. Làng nghề An Hội sung túc hẳn lên.

Kỳ tới: Nhớ thôn tráng bánh, nhớ lò giã nem

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo