Nguyên nhân là kể từ ngày 1-1-2016, thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu diesel và Jet A1 từ các nước ASEAN là 10% (giảm 10% so với trước đó). Trong khi đó, thuế suất áp dụng với dầu diesel và Jet A1 của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn là 20%. Điều này dẫn đến giá bán sản phẩm dầu diesel của Dung Quất chịu thuế cao hơn 10% so với hàng cùng chủng loại nhập từ ASEAN. Ngoài ra, theo Thông tư 20 của Bộ Tài Chính ban hành ngày 16-12-2015 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc cũng sẽ được áp dụng 10%, trong khi thuế đối với các sản phẩm mua từ Dung Quất vẫn là 20%.
“Mặc dù BRS đã cố gắng đàm phán, thuyết phục khách hàng cam kết ký hợp đồng dài hạn cho cả năm 2016 và cũng đã giảm giá bán để bù đắp một phần chênh lệch thuế nhập khẩu nhưng giá bán dầu diesel, xăng Jet A-1 của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn không thể cạnh tranh được với nguồn hàng nhập khẩu từ ASEAN. Việc giảm giá đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất” - văn bản của PVN do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Sinh Khang ký nêu rõ.
Theo lãnh đạo BSR, Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất vẫn đang vận hành tốt. Ảnh: Tử Trực
Vì lý do trên, PVN đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với dầu diesel, Jet A1 nhằm bảo đảm sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ ASEAN, giúp cho BSR có thể ký hợp đồng dài hạn với khách hàng để ổn định sản xuất, bảo đảm mục tiêu an toàn và hiệu quả vận hành liên tục của nhà máy.
Điều đáng nói là trái ngược hoàn toàn báo cáo của PVN, ngày 22-2, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR, khẳng định đến thời điểm này, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn vận hành tốt, không có chuyện sản phẩm lọc hóa dầu tồn kho tại nhà máy. Theo ông Giang, sở dĩ PVN có báo cáo như thế có thể là vì ai đó muốn đặt ra giả thuyết cho… tương lai, rằng nếu không điều chỉnh chính sách thuế như hiện nay sẽ có khả năng nhà máy không bán được hàng và sẽ tồn kho. “Hiện tại, nhà máy vẫn đang vận hành, sản xuất tốt, sản phẩm làm ra còn không có để bán đừng nói chi tồn kho” - ông Giang khẳng định.
Được biết, năm 2015, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng đã lo “ế” hàng và liên tục xin Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu. Bộ Tài chính đã phải giảm thuế đối với các sản phẩm từ nhà máy này từ mức cao hơn về mức 20% - tương đương thuế suất nhập khẩu từ ASEAN thời điểm đó.
Mặc dù nhiều lần “than” khó và “dọa” đóng cửa song trong năm 2015, BSR vẫn đạt doanh thu 95.000 tỉ đồng, lợi nhuận đạt gần 6.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)