Ngày 11-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) tiếp tục họp phiên toàn thể với việc cho ý kiến đối với báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 của Chính phủ. Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp sẽ được trình QH vào kỳ họp tháng 10 tới.
Số vụ tham nhũng bị khởi tố giảm
Trình bày báo cáo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết năm 2015, ngành thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước 52.253 tỉ đồng và 1.788 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm 1.945 tập thể, 14.339 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ, 50 đối tượng. CSĐT các cấp đã thụ lý 354 vụ án, 821 bị can phạm tội về tham nhũng…
Tuy nhiên, theo báo cáo, số vụ án tham nhũng được khởi tố, truy tố, xét xử hình sự vẫn tiếp tục giảm. Theo đó, cả năm chỉ khởi tố được 178 vụ/317 bị can (giảm 78 vụ/276 bị can); có 4 vụ, 2 bị can phải đình chỉ; 9 vụ/23 bị can tạm đình chỉ...
“Tham nhũng ngày càng khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích” - ông Lượng nhận định.
Làm nóng phiên họp, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết đã xuất hiện tham nhũng trong hoạt động tư pháp với 54 tố giác. “Tham nhũng đã vào cơ quan bảo vệ pháp luật. Dù mức độ nhỏ nhưng ảnh hưởng đến công lý rất lớn vì những người này có chức vụ, quyền hạn, lại có kinh nghiệm trong hoạt động tố tụng nên điều tra không đơn giản, thậm chí hết sức phức tạp” - ông Phong quan ngại.
Hơn 80 bộ, địa phương không có tham nhũng?
Báo cáo của Chính phủ khẳng định tình trạng tham nhũng diễn ra phức tạp, nhũng nhiễu trong khu vực công là phổ biến. Tuy nhiên, trái với đánh giá đầy lo ngại này, báo cáo của Chính phủ chỉ nêu 19 trong gần 100 bộ, ngành, địa phương có báo cáo về tham nhũng.
Không đồng tình với số lượng quá lớn bộ, ngành, địa phương “né” nhìn thẳng vào nạn tham nhũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn lại trong 19 báo cáo, 7 bộ - ngành - địa phương đánh giá tình hình tham nhũng ít nghiêm trọng, 4 bộ - ngành - địa phương cho biết không nghiêm trọng. “Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đâu để đưa ra đánh giá thấp tình hình như vậy? Ủy ban Tư pháp sẽ trực tiếp đi hỏi dân thực tế có “thanh bình” như vậy không? Còn các bộ - ngành - địa phương không có báo cáo là do địa bàn quản lý không có tham nhũng?” - bà Nga truy vấn.
Ông Trần Đức Lượng giải thích: “Nếu liệt kê hết thì rất dài. Đánh giá tham nhũng hiện dựa trên bộ tiêu chí còn rất mới ngay cả với thế giới nên gặp khó khăn”.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc nhà nước phải mua lại một số ngân hàng thương mại yếu kém với giá 0 đồng thực chất là quốc hữu hóa các ngân hàng này. “Về chủ trương, việc làm này là đúng. Nhưng nếu các ông chủ ngân hàng lấy tiền huy động từ dân để rót cho công ty con, cho người thân, lo lót và làm tiêu tán hết thì có phải là tham ô, tham nhũng không?” - ông Nghĩa băn khoăn.
Không hài lòng với báo cáo cho rằng khó khăn trong phòng chống tham nhũng có nguyên nhân từ thể chế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng nhận định: “Với thể chế hiện nay, nếu quyết tâm và làm mạnh thì vẫn chống được tham nhũng. Các giải pháp Chính phủ đưa ra chủ yếu vẫn là phòng ngừa, thiếu giải pháp tấn công tham nhũng”.
Theo ông Trần Đức Lượng, thẩm quyền phòng chống tham nhũng còn hạn chế, kể cả so với Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng. “Vấn đề ngân hàng thương mại yếu kém cũng do bất cập thể chế. Đẻ ra nhiều ngân hàng yếu kém nên mới nảy sinh hệ lụy” - ông lý giải.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện yêu cầu: “Lợi ích nhóm là một dạng tham nhũng mới, vì thế Chính phủ phải đề ra giải pháp cụ thể. Việc thanh tra, sáp nhập các ngân hàng thương mại, phần vốn bị âm là mất thật hay chuyển sang công ty con của ngân hàng và có tham nhũng trong các ngân hàng sai phạm hay không, Chính phủ cần làm rõ trước QH để báo cáo cho người dân”.
Bình luận (0)