Theo lời kể của chị Kim Cương, một người Việt Nam đang định cư tại Nepal, chị đã rất vất vả mới lên được chuyến bay của hãng hàng không Thai Airways để đáp chuyến bay trở về TP HCM ngày 27-4. “Sân bay đông ngẹt người. Ai cũng muốn rời khỏi Nepal càng nhanh càng tốt bởi không khí hoảng loạn, hỗn độn và đổ nát vẫn bao trùm Thủ đô Kathmandu cũng như toàn đất nước” - chị Kim Cương thuật lại.
Tình hình người Việt du lịch ở Nepal hiện tại được mô tả lại là “tạm ổn”. Những người sang Nepal du lịch bị mắc kẹt lại đây đến nhà hàng Việt Nam của chị Kim Cương để xin tá túc đã lên tới con số gần chục người. Trong khi đó, anh Đàm Quang Tuấn ở Hà Nội, cho hay: “Tôi có một nhóm bạn đang du lịch ở Nepal. Họ vừa sang đó được 1 ngày thì trận động đất xảy ra Ngày 25-4). Tất cả hiện nay đang ở tạm trong một trại lính gần trung tâm Kathmandu. Không có ai bị thương nhưng các nhu yếu phẩm tối thiểu rất thiếu thốn”.
Ngày 27-4, tức 2 ngày sau trận động đất, hàng vạn người đã mất nhà cửa và nhiều người khác thì không dám ở trong ngôi nhà của mình. “Dư chấn thỉnh thoảng vẫn xảy ra khiến chúng tôi hoảng loạn” - chị Kim Cương, người vừa rời khỏi Nepal, mô tả lại tình trạng lúc này ở quốc gia Nam Á.
Trong năm 2014, ở Nepal từng xảy ra 2 trận bão tuyết làm hàng trăm người leo núi và khám phá dãy Himalaya chết và mất tích. Tuy nhiên, so với thảm hoạ lần này, sự chết chóc, tang thương đang tăng theo cấp số nhân. Theo chị Kim Cương, lúc này nhà chức trách Nepal sẽ rất khó có thể quan tâm đến số người bỏ mạng ở các khu vực leo núi bởi ưu tiên cứu hộ vẫn diễn ra tại khu vực có đông người thiệt mạng.
Nơi thiệt hại nặng nề nhất thủ đô Kathmandu là khu vực có tên New Road, nơi có toà tháp Kathmandu View được xây dựng từ thế kỉ 19. Vào năm 1934, trong trận động đất kinh hoàng nhất Nepal thế kỉ 20 khiến 10.000 người chết và mất tích, toà tháp này từng bị sập, sau đó được xây lại.
Nhiều người đang chờ đợi ở sân bay Tribuvan để rời Nepal
Theo thống kê của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, có khoảng 20 người Việt Nam du lịch tại Nepal mà Đại sứ quán nắm được thông tin. Hiện nay số người này đã an toàn tuy nhiên vẫn còn một số người tại Việt Nam đang gửi đi sự trợ giúp vì người thân đang du lịch tại Nepal kể từ buổi trưa 25-4 xảy ra thảm hoạ.
Sư ông Thích Đạo Ấn đang tu học tiếng Tây Tạng tại Học viện Phât giáo Kathmandu, cho biết: “Một số thánh tích Hindu là những ngôi đền cổ đã bị sập. Bảo tháp Mật tông lớn nhất thế giới cũng bị nứt nghiêm trọng. Đây là thiệt hại nặng nề cả về di sản lẫn du lịch của Nepal”.
Bình luận (0)